Để không trở thành nạn nhân của những tin tuyển dụng lừa đảo, hãy giữ tỉnh táo và nâng cao cảnh giác khi nhận thấy 5 dấu hiệu đặc trưng dưới đây.
- Tâm sự của bảo mẫu 10 năm làm giúp việc: Có sự khác biệt lớn giữa gia đình giàu có và bình dân
- Vì sao hôn nhân hạnh phúc vẫn ngoại tình?
Trong quá trình tìm kiếm việc làm, không ít lần chúng ta bắt gặp nhiều tin tuyển dụng với những dòng mô tả hấp dẫn đến mức khó tin. Tuy nhiên, đằng sau những lời mời gọi đó có thể ẩn chứa cạm bẫy lừa đảo tinh vi, khiến chúng ta tiền mất tật mang chỉ vì nhẹ dạ cả tin.
Tin tuyển dụng có những cụm từ khóa hấp dẫn đến mức phi lý
Không có miếng bánh nào miễn phí, trừ khi nó đã quá hạn sử dụng. Đương nhiên, trong phạm vi công việc, chúng ta sẽ không bàn đến vấn đề từ thiện. Nói vậy để thấy rằng, những “miếng bánh ngon” được đưa ra mời chào chỉ nhằm mục đích làm mồi câu với những ai nhẹ dạ cả tin, ít va vấp trong cuộc sống hay quá mong muốn có được việc làm, từ các vị trí chính thức đến các vị trí tuyển dụng việc làm online tại nhà.
Khi bạn nhận được những tin tuyển dụng hấp dẫn đến mức phi lý với các từ khóa như việc nhẹ lương cao, cam kết đậu 100%, thời gian tự do, tự chọn địa điểm làm việc, không yêu cầu kinh nghiệm, không cần thử việc, thăng chức nhanh chóng… thay vì vội vã ứng tuyển, hãy nâng cao tinh thần cảnh giác. Bạn cần tìm hiểu thật kỹ về yêu cầu cũng như mô tả công việc và nên nhớ, không dễ dàng cung cấp thông tin/giấy tờ cá nhân của mình cho bất cứ ai.
Tin tuyển dụng “5 không”
- Không mô tả công việc rõ ràng
- Không có địa chỉ cụ thể
- Không có thông tin liên hệ
- Không có Fanpage/Website công ty
- Không tìm được thông tin trên các website tuyển dụng uy tín
Website, fanpage là những kênh chính thống cung cấp thông tin chi tiết về tên công ty, địa chỉ văn phòng, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp hoàn toàn không tồn tại các nền tảng này là một dấu hiệu khá đáng ngờ, cảnh báo người lao động về quy mô và uy tín của công ty.
Ngoài ra, bạn cần đặc biệt cảnh giác với những doanh nghiệp không thể tìm thấy những thông tin cơ bản nhất như: tình trạng hoạt động, mã số thuế, người đại diện pháp luật… khi tra cứu trên Google. Công ty không xuất hiện trên các website tuyển dụng uy tín hoặc không nhận được đánh giá tích cực từ cộng đồng cũng là một trong những dấu hiệu cảnh báo về tính minh bạch của nó.
Yêu cầu đóng các khoản phí vô lý
- Phí đặt cọc, giữ chỗ
- Phí phát hành thẻ nhân viên
- Phí mở tài khoản
- Phí giới thiệu việc làm
- Phí làm hồ sơ
Một công ty hoạt động thật, tuyển dụng thật sẽ không bao giờ yêu cầu ứng viên đóng bất cứ khoản phí nào khi chưa chính thức ký kết hợp đồng lao động hay chưa nhận được bất cứ quyền lợi nào từ công ty.
Tùy theo chính sách của mỗi doanh nghiệp, việc yêu cầu người lao động đóng tiền ký quỹ cho một số tài sản khấu hao có tính chất cá nhân như đồng phục (quần áo, giày dép, kẹp tóc…) có thể xảy ra nhưng chắc chắn sẽ có hóa đơn thu tiền kèm theo các văn bản có hiệu lực pháp lý (có dấu đỏ của doanh nghiệp) quy định rõ về việc hoàn trả số tiền đã thu nộp sau khi người lao động làm việc đủ thời gian quy định (thường là 01 năm kể từ khi ký hợp đồng lao động). Tuy nhiên, các khoản phí vô lý như trên tuyệt đối sẽ không phát sinh.
Hẹn phỏng vấn tại các địa điểm không đáng tin cậy
Quán café, nhà riêng, các văn phòng chật hẹp, tạm bợ… hay địa chỉ công ty một đằng, hẹn phỏng vấn một nẻo là một trong những dấu hiệu đặc trưng của lừa đảo tuyển dụng. Đặc biệt, khi địa điểm phỏng vấn không đáng tin cậy đi kèm hẹn phỏng vấn ngoài giờ hành chính thì nguy cơ lừa đảo càng tăng cao.
Tin rằng, các công ty uy tín sẽ chẳng ngần ngại “flex” môi trường làm việc trước mặt ứng viên để thu hút nhân tài thay vì giấu đầu giấu đuôi, không muốn ứng viên bước vào trụ sở của mình.
Dẫn dắt ứng viên qua những nền tảng khác (Telegram, Zalo…) hay tham gia các nhóm chat để nhận nhiệm vụ
Những năm gần đây, có một hình thức lừa đảo cực kỳ phổ biến, đó là chiếm đoạt tiền làm nhiệm vụ trên các nền tảng do các tổ chức lừa đảo lập nên. Ban đầu, các tổ chức này sẽ giao cho người tham gia những nhiệm vụ vô cùng đơn giản như like video, chụp màn hình gửi lên nhóm và thanh toán tiền theo từng nhiệm vụ một cách đầy đủ, nhanh chóng. Sau khi người tham gia chính thức “sập bẫy” và nộp tiền vào hệ thống để nhận được những khoản hoa hồng lớn hơn, những đối tượng này lập tức bốc hơi mà chẳng để lại một chút dấu vết.
Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người tham gia và những lỗ hổng trong bảo mật của các nền tảng chat, các đối tượng lừa đảo thường tiếp cận người dùng bằng những tin tuyển dụng siêu hấp dẫn, sau đó điều hướng họ sang các nền tảng có tính riêng tư hơn như (Telegram, Zalo…), yêu cầu tham gia các nhóm chat để nhận nhiệm vụ, báo cáo và nhận hoa hồng.
Dù bạn chưa có việc làm hay đã có việc làm nhưng muốn tìm kiếm những cơ hội tốt hơn hoặc muốn tìm thêm nghề tay trái để tăng nguồn thu nhập thụ động, hãy luôn tỉnh táo và cảnh giác với những tin tuyển dụng – “miếng bánh ngon” từ trên trời rơi xuống. Như đã nói từ đầu bài viết, trên đời không có “miếng bánh” nào miễn phí. Những “loại bánh” cao cấp lại càng không.