4 phương thức tra cứu thông tin cư trú của công dân khi không còn sổ hộ khẩu giấy

Xã hội 01/01/2023 12:47

Ngày đầu tiên của năm mới 2023 cũng chính là thời điểm sổ hộ khẩu giấy chính thức bị khai tử. Người dân cần biết 4 phương thức tra cứu thông tin cư trú của công dân khi không còn sổ hộ khẩu giấy.

Ngày 21/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 104/2022/NĐ-CP quy định 4 phương thức tra cứu thông tin cư trú của công dân khi không còn sổ hộ khẩu giấy và sổ tạm trú giấy.

Bao gồm:

Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng phương thức tra cứu qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Sử dụng thiết bị đọc QR Code hoặc đọc chip trên thẻ CCCD

Theo Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ, người dân sử dụng thiết bị đọc QRCode hoặc thiết bị đọc chíp trên thẻ CCCD gắn chip.

Các thông tin gồm: số CCCD; số CMND 9 số; họ và tên; ngày sinh; giới tính; nơi thường trú; ngày cấp CCCD.

4 phương thức tra cứu thông tin cư trú của công dân khi không còn sổ hộ khẩu giấy - Ảnh 1

Đọc chip trên thẻ CCCD gắn chíp là 1 trong những cách tra cứu thông tin cá nhân khi sổ hộ khẩu giấy bãi bỏ.

Khai thác thông tin cư trú công dân theo quy định của pháp luật chuyên ngành

Ngoài ra, Nghị định 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định, việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Sử dụng ứng dụng VNeID

Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID.

Người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử và xác thực điện tử trên ứng dụng VNeID.

Cụ thể, người dân mở ứng dụng CH Play hoặc App store để cài đặt ứng dụng VNeID. Tiếp đó, mở ứng dụng VNeID, nhấn đăng ký tài khoản, nhập số định danh cá nhân, số điện thoại, nhấn nút đăng ký. Đưa mã QR trên thẻ CCCD gắn chip vào khung hình để quét QR code theo yêu cầu.

Trường hợp hệ thống thông báo “Không quét được QR code” thì cần nhập thông tin còn trống theo yêu cầu rồi nhấn đăng ký. Sau đó nhập mã OTP được gửi về tin nhắn để xác thực tài khoản, tạo mật khẩu hoàn thành việc đăng ký tài khoản.

Để đăng nhập vào ứng dụng VNeID, người dân mở ứng dụng chọn đăng nhập, điền số định danh cá nhân, mật khẩu vừa đăng ký, nhấn đăng nhập. Sau đó nhấn đăng ký tài khoản mức 1, chọn bắt đầu, nhấn "Tôi đã hiểu" để đăng ký tài khoản mức 1. Quét QR Code trên thẻ CCCD gắn chip để kết nối, chụp ảnh chân dung theo yêu cầu của hệ thống. Sau đó kiểm tra lại thông tin, nhập địa chỉ email (không bắt buộc) và chọn “Xác nhận thông tin đăng ký”.

Sau khi đăng ký tài khoản mức 1, người dân chọn “Kích hoạt tài khoản định danh điện tử” trên màn hình giới thiệu ứng dụng VNeID hoặc chọn “Kích hoạt” tại màn hình đăng nhập để kích hoạt tài khoản, nhập số định danh cá nhân và số điện thoại, nhấn “Gửi yêu cầu”.

Trường hợp thiết bị đang dùng để kích hoạt đã dùng để kích hoạt 1 tài khoản mức 1 hoặc mức 2 khác, hệ thống sẽ thông báo kích hoạt tài khoản trên thiết bị khác. Khi đó, người dân nhập mã OTP được gửi qua tin nhắn, tạo mật khẩu gồm 6 chữ số, tạo 2 câu hỏi và trả lời bất kỳ trong danh mục câu hỏi bảo mật để bảo mật tài khoản.

Làm gì khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết hạn từ 01/01/2023?

Từ ngày 01/01/2023 sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ hết hạn sử dụng. Công dân cần làm gì để đảm bảo quyền lợi của mình?

TIN MỚI NHẤT