Từ 1/1/2022, nhiều quy định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đã có sự thay đổi khi Nghị định 118/2021/NĐ-CP chính thức có hiệu lực.
- Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM kiến nghị bắt khẩn cấp cha ruột bé gái 8 tuổi bị bạo hành
- Vụ bé gái bị 'dì ghẻ' hành hạ tới chết, tiết lộ bất ngờ từ hiệu trưởng: 'Bé không dám nói với cô giáo vì có phụ huynh kế bên'
Ngày 01/01/2022, Nghị định 118/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Xử lý vi phạm hành chính chính thức có hiệu lực. Trong Nghị định mới, có một số thay đổi về quy định liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.
Có 2 tình tiết tăng nặng, bị phạt tiền mức kịch khung
Trước đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 chỉ quy định mức tiền phạt cụ thể đối với 01 hành vi vi phạm là mức trung bình của khung tiền phạt, nếu có tình tiết giảm nhẹ hay tăng nặng thì mức tiền phạt có thể giảm xuống hoặc tăng lên nhưng không được giảm quá mức tối thiểu hoặc tăng quá mức tối đa của khung tiền phạt.
Đến Nghị định 118/2021/NĐ-CP, việc áp dụng mức phạt tối thiểu và tối đa đã được khoản 1 Điều 9 quy định như sau:
Khi xác định mức phạt tiền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, thì được giảm trừ tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng;
- Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Trong trường hợp có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng trở lên, thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.
Như vậy, từ ngày 01/01/2022, nếu có từ 02 tình tiết tăng nặng, người vi phạm giao thông sẽ bị phạt tiền đến mức kịch khung. Còn nếu có từ 02 tình tiết giảm nhẹ, người vi phạm được nộp phạt với mức thấp nhất của khung tiền phạt.
Trong đó, các tình tiết tăng nặng gồm: Vi phạm nhiều lần; tái phạm; lăng mạ, phỉ báng người đang thi hành công vụ; sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh,…
Còn các tính tiết giảm nhẹ có thể kể đến như: người vi phạm đã tự nguyện bồi thường thiệt hại; người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo; vi phạm do trình độ lạc hậu; phụ nữ mang thai, người già yếu,…
Tại khoản 10 Điều 4 bộ luật này quy định: Phạt tiền đến 75 triệu đồng đối với vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
Hiện nay, theo quy định tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì mức xử phạt vi phạm hành chính tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với cá nhân là 40 triệu đồng.
Người vi phạm không ký biên bản, chỉ cần 1 người chứng kiến
Theo quy định cũ tại khoản 3 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, biên bản vi phạm hành chính nói chung, bao gồm cả biên bản vi phạm giao thông khi lập phải có chữ ký của người vi phạm.
Nếu người vi phạm không ký vào biên bản không có mặt hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của 02 người chứng kiến.
Tuy nhiên, nội dung này đã có sự thay đổi tại khoản 29 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 và khoản 3 Điều 13 Nghị định 118/2021/NĐ-CP, cùng có hiệu lực ngày 01/01/2022.
Theo quy định mới, nếu người vi phạm không ký vào biên bản vi phạm giao thông thì CSGT sẽ lấy chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc người vi phạm không ký vào biên bản.
Thậm chí, nếu không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì CSGT lập biên bản sẽ phải ghi rõ lý do vào biên bản đã lập.
CSGT lập biên bản vi phạm trong thời gian 2 ngày
Thêm một điểm mới đáng chú ý tại Nghị định 118/2021/NĐ-CP là việc quy định cụ thể thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính.
Trước đây, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn chỉ quy định chung chung rằng, người có thẩm quyền phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính chứ không giới hạn thời gian cụ thể nên có nhiều trường hợp rất lâu sau khi phát hiện vi phạm, Cảnh sát giao thông (CSGT) mới tiến hành lập biên bản vi phạm.
Khoản 2 Điều 12 Nghị định 118 đã ấn định cụ thể thời gian lập biên bản vi phạm hành chính. Do đó, khi phát hiện vi phạm, các chiến sĩ CSGT cũng phải tiến hành lập biên bản theo đúng thời hạn sau:
- Biên bản vi phạm được lập trong 02 ngày làm việc, kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính.
- Trường hợp phát hiện vi phạm bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ: Lập biên bản trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng vi phạm.
Người dân nên đọc Nghị định 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính để nắm rõ những quy định mới trong lĩnh vực giao thông.