Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, việc một đoàn khách du lịch Việt Nam với 152 người “bốc hơi” ngay sau khi nhập cảnh ở Đài Loan (Trung Quốc) đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh con người và đất nước trong mắt bạn bè quốc tế.
- Vụ 152 du khách Việt Nam nghi bỏ trốn ở Đài Loan: Công ty du lịch cung cấp dịch vụ làm visa cho khách nói gì?
- Đài Loan lập đội đặc nhiệm tìm 152 du khách Việt nghi bỏ trốn
Liên quan đến vụ việc 152 du khách Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan (Trung Quốc), trao đổi với PV Báo PNVN, ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, cho rằng đây là điều rất khó chấp nhận.
“Đây là một điều rất là đáng buồn vì đã làm xấu đi hình ảnh của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế. Và, cũng có thể nói là việc 152 du khách lợi dụng du lịch để bỏ trốn là làm nhục quốc thể”, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói.
Ông Nhưỡng nhìn nhận: “Trong vụ việc trên, có thể thấy rõ hai vấn đề: Một là ý thức công dân của ta rất kém. Bởi vì kém cho nên mới tìm cách lợi dụng đi du lịch để bỏ trốn ra nước ngoài một cách bất hợp pháp. Hai là, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần xem lại đã làm tròn vai trò trách nhiệm của mình chưa, cụ thể ở đây là phải tuyên truyền, quản lý làm sao để cho người dân phải đề cao lòng tự tôn dân tộc, đề cao quốc thể. Tôi cho rằng ở đây cần phải xem xét ở cả hai khía cạnh, cả khía cạnh bản thân người dân phải có trách nhiệm như thế nào đối với đất nước và đất nước cũng phải có trách nhiệm đối với người dân ra sao”.
Về trách nhiệm của Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) cũng như chính quyền TP.HCM trong vụ việc trên, ông Nhưỡng cho rằng “rất khó quy trách nhiệm cho đơn vị nào đó” vì “chưa rõ ràng”.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết: “Tôi cho rằng hiện không thể đổ lỗi ngay cho Tổng cục Du lịch hay chính quyền địa phương đã để xảy ra vụ việc đáng tiếc nói trên được, bởi vì không ai đi khuyến khích việc người dân bỏ trốn bất hợp pháp như thế cả. Người dân lợi dụng du lịch, thậm chí lợi dụng cả chính sách của nhà nước là thăm thân để bỏ trốn ra nước ngoài, thì cần phải xem xét đánh giá đầy đủ và khách quan, từ đó đi đến tháo gỡ câu chuyện này”.
“Đây không phải là lúc đổ lỗi. Chỉ khi phát hiện một cơ quan nào đó sai phạm trong vụ việc này như có dấu hiệu, hành vi dung túng, bao che, đưa người dân đi ra nước ngoài bất hợp, nghĩa là có chứng cớ thì mới xử lý được. Còn trong vụ việc này thì rất khó quy trách nhiệm cho đơn vị nào đó, vì tất cả còn chưa rõ ràng”, ông Nhưỡng nhận xét.
Trên thực tế, việc người Việt lợi dụng đi du lịch rồi bỏ trốn tại Đài Loan không phải bây giờ mới xảy ra. Trong những năm gần đây, việc các cá nhân, tổ chức lợi dụng đi du lịch rồi đưa các lao động trong nước xuất cảnh trái phép sang Đài Loan là khá phổ biến.
Vụ việc gần đây nhất là vào tháng 4/2017, cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã triệt phá một đường dây đưa người Việt xuất cảnh trái phép sang Đài Loan do Triệu Hồng Quân (28 tuổi, trú tại khu 7, xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) điều hành. Theo lời khai của Quân, tính đến thời điểm bị bắt, đối tượng này đã 8 lần đưa trót lọt 88 người ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương, Hà Nam..., xuất cảnh trái phép sang Đài Loan dưới vỏ bọc “khách đi du lịch”.
Đáng chú ý, trong đường dây này có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài nước, thực hiện việc giao dịch bằng điện thoại và mạng xã hội, thu hút được số đối tượng là người Việt Nam từng sang Đài Loan lao động, đã bị trục xuất trở về nước.
Ngoài ra, theo thỏa thuận, đối tượng người Đài Loan sẽ thu 5000 USD/người, còn ở Việt Nam, Quân thu của các “du khách Việt” bao nhiêu thì... tùy ý.