Ngày mùng 1 Tết Kỷ Hợi 2019 (ngày 5-2), tai nạn giao thông đã giảm mạnh khi cả nước xảy ra 21 vụ tai nạn giao thông, làm chết 15 người, bị thương 13 người.
- 21 người chết vì tai nạn giao thông trong ngày đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2019
- Nữ tài xế say xỉn lái ô tô gây tai nạn rồi cố thủ, định bỏ chạy ở Sài Gòn
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, ngày 5-2 (mùng 1 Tết), toàn quốc xảy ra 21 vụ tai nạn giao thông, làm chết 15 người, bị thương 13 người. So với ngày thứ 4 kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2018, giảm 33 vụ (giảm 61,1%), giảm 19 người chết (giảm 55,9%), giảm 22 người bị thương (giảm 61%).
Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, cho biết sau 4 ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, cả nước đã xảy ra 117 vụ tai nạn giao thông, làm chết 77 người, bị thương 87 người. So với 4 ngày đầu tiên kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2018, giảm 38 vụ (giảm 24,5%), giảm 44 người chết (giảm 36,3%), giảm 33 người bị thương (giảm 27,5%).
Lực lượng Cảnh sát giao thông công an các địa phương đã kiểm tra, xử lý 2.073 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, phạt tiền gần 600 triệu đồng; tạm giữ 667 phương tiện vi phạm và tước 349 giấy tờ các loại, tước 56 giấy phép lái xe.
Tình hình giao thông tại Hà Nội, TP HCM và trên toàn quốc thông thoáng, người dân đi lại thuận lợi.
Trong ngày 5-2, ngày thứ tư của kỳ nghỉ lễ, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, không có cuộc gọi và tin nhắn của người dân phản ánh đến đường dây nóng của Ủy ban ATGT quốc gia.
Trong ngày 4-2 (30 Tết) tại Hà Nội và TP HCM, trên hầu hết các tuyến phố, mật độ phương tiện tham gia thấp, giao thông thông suốt, đường phố vắng lặng, yên bình.
Đêm giao thừa, tại nhiều tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đắk Nông, Quảng Trị… tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc đón giao thừa, người dân tập trung đông ở các điểm bắn pháo hoa. Các địa phương đã triển khai nhiều phương án nên tình hình giao thông được bảo đảm trật tự, an toàn. Tuy nhiên, xuất hiện tình trạng người dân ra đường chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm phổ biến trên cả nước.
Tại Hà Nội, hàng vạn người dân đã đổ về hồ Hoàn Kiếm và Nhà hát lớn để đón giao thừa. Tại TP HCM, người dân cũng đổ về phố đi bộ Nguyễn Huệ để đón chào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Công an Hà Nội và TP HCM đã bố trí lực lượng để phân luồng giao thông, chống ùn tắc trước và sau khi người dân đón giao thừa, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn.
Sáng mùng 1 Tết, khi người dân đi du Xuân và lên chùa lễ Phật cầu an thưa dần, tại các tỉnh, thành phố hầu hết rất yên bình, vắng lặng. Tại một số điểm tâm linh trên địa bàn TP Hà Nội, TP HCM, lượng người dân tập trung đi lễ đầu Xuân tăng cao, số lượng phương tiện lớn, xuất hiện tình trạng đậu đỗ xe không đúng nơi quy định, dẫn đến xảy ra ùn tắc, nhiều điểm xung đột giao thông.