Hủ tiếu mì khô dai dai, đậm đà hương vị với phần topping đầy ụ, thơm nức mũi, đảm bảo ăn là ghiền ngay nhé!
- Cách làm gỏi rau má bắt vị, thanh mát và siêu đơn giản tại nhà!
- Cách làm bánh mì trứng giòn thơm, siêu ngon với nồi chiên không dầu tại nhà!
Nội dung bài viết
- Hủ tiếu mì khô - món ăn du nhập với đa dạng loại hình và hương vị
- Cách làm hủ tiếu mì khô chuẩn vị Sài thành, ăn là mê
Nếu như Hà Nội có phở, thì Sài gòn cũng có một món ăn thơm ngon, đặc trưng không kém, chính là hủ tiếu. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những xe hủ tiếu bán sáng chiều hay bán cả đêm ở Sài Gòn với những nồi nước lèo nghi ngút khói với hương thơm nức mũi. Theo thời gian, món ăn đặc trưng của Sài Gòn này đã được cả miền Nam nói chung và các vùng miền trong nước yêu thích. Hôm nay, hãy cùng chúng tôi khám phá ngay món hủ tiếu mì khô - một trong những loại hủ tiếu được nhiều thực khách ưa chuộng nhất nhé!
Hủ tiếu mì khô - món ăn du nhập với đa dạng loại hình và hương vị
Hủ tiếu (hủ tíu) là món ăn có nguồn gốc từ văn hóa ẩm thực Trung Hoa và được du nhập vào Việt Nam, cụ thể là những năm 50 của Sài Gòn.
Đây là món ăn dùng chế phẩm gạo dạng sợi. Nguyên liệu cơ bản bao gồm bánh hủ tiếu, nước dùng được hầm lâu từ xương heo, thịt heo và lòng heo nấu cùng, thêm chút hành, giá đỗ, hẹ và thịt băm,...
Đi cùng với thời gian, món hủ tiếu thơm ngon này đã trở thành món đặc trưng của Sài Gòn và được “biến tấu” thành nhiều loại hình, tùy theo văn hóa của mỗi vùng miền. Nổi bật phải kể đến các loại hủ tiếu như: Hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu sa tế, hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Trung Hoa, hủ tiếu Sa Đéc, hủ tiếu gõ và hủ tiếu mực,...Mỗi loại đều có cách ăn và những hương vị riêng biệt!
Và “kiểu” hủ tiếu thơm ngon hấp dẫn mà chúng ta sẽ bắt tay vào chế biến, chính là hủ tiếu mì khô - loại hủ tiếu được ưa chuộng nhất ở Sài Gòn. Hãy cùng bắt tay ngay vào chế biến nhé!
Cách làm hủ tiếu mì khô chuẩn vị Sài thành, ăn là mê
Nguyên liệu cần chuẩn bị
- Hủ tiếu dai 150 gr
- Mì khô 150 gr
- Tôm sú 300 gr
- Mực ống 300 gr
- Tỏi băm 2 muỗng canh
- Rau cần tây 1 ít
- Ớt hiểm 1 ít
- Hành phi 2 muỗng canh
- Dầu hào 2 muỗng canh
- Dầu mè 1 muỗng canh
- Dầu ăn 2 muỗng canh
- Nước mắm 1 muỗng canh
- Nước tương 2 muỗng canh
- Gia vị thông dụng (đường/muối/hạt nêm/tiêu xay) 1 ít
Các bước tiến hành làm hủ tiếu mì khô thơm ngon khó cưỡng tại nhà
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Đầu tiên, tôm mua về, bạn cần loại sạch bụi bẩn và mùi tanh tôm, bằng cách bóc vỏ, bỏ đầu và lấy sạch chỉ lưng.
- Tiếp đó, với phần tôm mới được sơ chế và làm sạch, bạn đem đi bóp với muối trong khoảng 5 phút rồi rửa lại với nước sạch và để ráo là được.
- Kế đến là mực ống, bạn dùng tay kéo phần đầu mực ra khỏi thân, rồi rút bỏ xương sống và loại bỏ nội tạng bên trong.
- Với phần đầu mực được rút ra, bạn chỉ cần bỏ ruột, cắt bỏ mắt và nặn bỏ răng mực, sau đó cũng đem đi bóp với muối cho sạch, rồi xả lại với nước và để ráo.
- Cuối cùng, bạn chỉ việc dùng dao khứa các đường nhỏ hình vẩy rồng lên miếng mực để giúp chúng dễ thấm gia vị và đẹp mắt hơn là đã hoàn tất khâu sơ chế nguyên liệu rồi nhé.
Bước 2: Nấu nước sốt
- Ở công đoạn này, trước hết, bạn chuẩn bị một chiếc tô sạch, rồi cho lần lượt các gia vị là 2.5 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê tiêu xay, 1 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh dầu hào, 2 muỗng canh nước tương, 1 muỗng cà phê hạt nêm và 2 muỗng canh nước lọc vào, sau đó khuấy thật đều cho các gia vị hòa tan với nhau.
- Tiếp đến, bạn bắc chảo lên bếp và cho 2 muỗng canh dầu ăn vào, tiến hành đun nóng và cho 2 muỗng canh tỏi băm vào phi thơm lên.
- Khi thấy tỏi đã dậy mùi, bạn trút hết hỗn hợp nước sốt vừa pha vào, đun trên lửa vừa cho đến khi nước sốt sôi lên là đạt.
- Đến đây thì bạn chỉ việc tắt bếp rồi thêm tiếp 2 muỗng canh hành phi vào, khuấy thật đều rồi trút nước sốt ra tô, để nguội là đã có ngay chén nước sốt thơm nức mũi rồi nhé.
Bước 3: Luộc tôm, mực
- Trước tiên, bạn bắc một nồi nước lên bếp và tiến hành đun sôi nước ở lửa lớn.
- Tiếp đó, khi thấy nước sôi lên thì bạn trút toàn bộ phần tôm, mực đã được sơ chế vào nồi, rồi tiếp tục đun ở lửa lớn trong khoảng 2 phút thì tắt bếp ngay.
- Kế đến, bạn dùng rây vớt tôm và mực ra, rồi mang xả sơ ngay với nước lạnh để tôm và mực giữ được độ giòn dai và để ráo nước là được nhé.
Bước 4: Trụng mì và hủ tiếu
- Ở bước cuối cùng này, bạn lại bắc thêm 1 nồi nước khác lên bếp và đun cho thật sôi.
- Kế đến, lần lược cho mì và hủ tiếu vào trụng khoảng 1 - 2 phút, rồi vớt ngay ra tô.
- Sau đó, bạn chỉ cần cho vào tô khoảng 1 muỗng canh dầu mè (hoặc dầu ăn) và trộn thật đều.
- Cuối cùng thì bạn chỉ cần cho mì và hủ tiếu vào tô, sau đó xếp tôm và mực lên trên, rồi cho thêm 1 ít rau cần cắt nhỏ và ớt hiểm cắt lát vào. Sau cùng chỉ cần rưới nước sốt lên trên rồi trang trí lại cho đẹp mắt là đã có ngay tô hủ tiếu mì khô chuẩn ngon như hương vị đặc trưng của Sài Gòn nhé.
Thành phẩm
Tô hủ tiếu mì khô “đầy ụ” topping, ngon mắt ngon miệng, khiến ai cũng mê mệt. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận ngay được độ dai dai của mì và hủ tiếu, kết hợp cùng vị giòn ngọt của tôm và mực, hòa quyện cùng nước sốt chuẩn ngon đậm đà, thơm nức mùi tỏi và hành phi, đảm bảo “không thể dừng đũa” được luôn nhé!
Mẹo chọn mua nguyên liệu tươi ngon
Mẹo chọn tôm tươi ngon, chất lượng
- Bạn nên chọn những loại tôm tươi với vỏ ngoài trong suốt và còn hơi mùi của nước biển. Ngược lại, nên tránh mua những loại tôm có mảng màu tối hay có màu sắc không đồng nhất.
- Đồng thời, bạn cũng nên chọn những con tôm có phần đuôi xếp lại với nhau, đây là dấu hiệu cho thấy tôm vẫn còn tươi ngon. Chính vì vậy, nếu bạn thấy đuôi tôm bị xòe ra thì nhiều khả năng là chúng đã bị bơm hóa chất hoặc tiêm nước để làm cho tôm nhìn có vẻ mập mạp.
- Ngoài ra, bạn cũng nên tránh mua những con tôm bị chảy nhớt, thân uốn cong thành hình tròn, sờ vào thấy có sạn trong vỏ, đây là loại tôm đã bị chết ươn rồi nhé.
Mẹo chọn mua mực ống tươi ngon
- Mực ống tươi sẽ có màu sắc sáng bóng, phần màu nâu sẽ có màu nâu sậm, còn phần thân mực sẽ trắng đục như sữa.Khi sờ tay vào thân mực, sẽ cảm thấy được phần thịt mực săn chắc và có độ đàn hồi cao.
- Đặc biệt, đối với mực tươi, bạn nên chọn những con mực có màu mắt trong veo và không bị lồi ra ngoài. Ngược lại, mực không còn tươi sẽ có màu mắt đục hơn và đôi khi còn chảy dịch.
- Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý chọn những con mực có phần đầu và các xúc tu, râu mực dịch chặt vào thân, không bị mềm nhũn, rơi rụng hay rời rạc.
Trên đây là cách làm hủ tiếu mì khô dai dai, thơm nức mũi và chuẩn ngon vị Sài thành. Xế chiều mà được thưởng thức ngay một tô hủ tiếu mì khô nóng hổi, đậm đà hương vị, để gia đình cùng quây quần thì còn gì bằng nữa nào?! Chúc các chị em trổ tài chiêu đãi thành công nhé!