Một tiếng sau khi nhập viện, tình trạng người bệnh tiến triển nặng lên: lơ mơ, co cứng cơ toàn thân, kíp cấp cứu nhanh chóng tiến hành đặt nội khí quản, thở máy.
- 'Chén chú chén anh' suốt mấy ngày liền, 2 người đàn ông tử vong, nghi do ngộc độc rượu
- Dùng rượu thuốc không nhãn mác ở spa người quen với giá 4 triệu, mặt cô gái trẻ biến dạng sau 2 tuần, sưng viêm chi chít mụn mủ
Theo thông tin từ VTV, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Tho) vừa tiếp nhận người bệnh Đ.V.H. (40 tuổi, Cẩm Khê, Phú Thọ) trong tình trạng nguy kịch sau khi uống 2 cốc rượu ngâm củ ấu tàu.
Người nhà người bệnh cho biết, khoảng 19 giờ cùng ngày, sau khi uống 2 cốc rượu ngâm củ ấu tàu, người bệnh xuất hiện mệt lả, tê lưỡi, nôn nhiều, không đứng vững, được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê thăm khám.
Tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, người bệnh nhập viện trong tình trạng tỉnh, tê lưỡi, xuất tiết nhiều đờm dãi, điện tâm đồ có loạn nhịp ngoại tâm thu thất đa ổ. Ngay lập tức, các bác sĩ chỉ định truyền dịch, dùng thuốc chống loạn nhịp, rửa dạ dày và theo dõi 24/24h.
Một tiếng sau khi nhập viện, tình trạng người bệnh tiến triển nặng lên: lơ mơ, co cứng cơ toàn thân, kíp cấp cứu nhanh chóng tiến hành đặt nội khí quản, thở máy. Nhưng chỉ 30 phút sau, người bệnh mất hoàn toàn ý thức, điện tâm đồ trên monitor nhịp nhanh thất sau đó chuyển rung thất, nguy cơ tử vong rất cao.
Các bác sĩ tập trung cấp cứu, sốc điện ngoài lồng ngực. Sau quá trình cấp cứu khẩn trương, liên tục, nhịp tim trở về nhịp xoang, 6 giờ sau người bệnh tỉnh lại, tự thở và được rút ống nội khí quản, các chỉ số sinh tồn trở về bình thường.
Dẫn tin từ VnExpress, củ ấu tàu còn gọi là ô đầu, ú tầu, gấu tầu, củ gấu rừng..., là rễ của cây ô đầu, tên khoa học aconitium forrtuni Hemsl, thường mọc hoang hoặc trồng ở vùng biên giới phía Bắc như Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai. Thành phần độc tố chính của ấu tàu là aconitin (chất gây tê đầu lưỡi) và các alcalloid khác.
Rượu ngâm củ ấu tàu thường được dùng để làm thuốc xoa bóp chữa các chứng đau nhức chân tay, tê mỏi, sai khớp, bầm da do đụng dập. Đây là bài thuốc khá phổ biến lưu hành trong dân gian, được chế biến nhiều dạng như ngâm tươi, ngâm khô, ngâm thái mỏng. Đặc biệt, nhiều người vẫn coi củ ấu tàu như một loại thuốc bổ, có thể ăn và uống được khi được chế biến kỹ đúng phương pháp như nấu cháo, rượu ngâm củ ấu tàu sao vàng.
Tuy nhiên, theo bác sĩ, nếu chế biến không đúng cách, củ ấu tàu vẫn còn độc tính. Khi ăn cháo hoặc uống rượu ngâm củ ấu tàu độc tính, các triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện ngay, như tê bì quanh miệng, môi, lưỡi, nôn, rối loạn hệ thần kinh, co giật. Nặng hơn là các rối loạn tim mạch có thể gây trụy mạch, trụy huyết áp, dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Bác sĩ khuyến cáo khi sử dụng các chế phẩm có thành phần là củ ấu tàu, người dân phải hết sức thận trọng. Không tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn nếu không biết cách loại bỏ độc tố. Không được uống rượu ngâm củ ấu tàu bởi có thể ngộ độc dẫn đến tử vong. Các loại rượu ngâm củ ấu tàu dùng để xoa bóp phải được dán nhãn rõ ràng, cất giữ cẩn thận, tránh xa tầm tay trẻ em. Khi có biểu hiện ngộ độc, bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện để xử trí kịp thời.