Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết nếu 10 năm trước thì số bệnh nhân bị ngộ độc chỉ có 800-1.000 bệnh/năm thì đến nay con số đã lên tới khoảng 2.000 bệnh nhân. Đặc biệt, tỷ lệ nữ giới bị ngộ độc rượu và chất gây nghiện ngày một tăng và có xu hướng trẻ hóa.
- 9 khó khăn của ngành y tế: Dịch bệnh nhiều, thiếu thuốc và vật tư
- Tây Ninh, Đồng Tháp, Long An… nguy cơ cao dịch cúm H5N1 sát biên giới Campuchia: TP.HCM Chỉ đạo khẩn
Sáng 25/2, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tổ chức Hội nghị Quốc tế về bệnh lý nhiễm độc với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực chống độc trên thế giới và trong nước.
Phát biểu tại sự kiện, TS.BSCK2 Nguyễn Tri Thức - Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết trong 10 năm (từ 2010-2019), đơn vị Hồi sức chống độc của bệnh viện đã tiếp nhận, điều trị cho hơn 14.000 bệnh nhân nhiễm độc. Dù tỷ lệ bệnh nặng phải thở máy, lọc máu chiến khoảng 50% nhưng bệnh viện vẫn nỗ lực cứu chữa giúp hơn 95% bệnh nhân hồi phục.
Theo Giám đốc BV Chợ Rẫy, số bệnh nhân nhiễm độc trung bình mỗi năm luôn gia tăng, trong đó nhóm ngộ độc do các loại hóa chất (thuốc tân dược và thuốc bảo vệ thực vật) ngày càng tăng. Đồng thời xuất hiện các loại ngộ độc hiếm gặp (ngộ độc botulinum, ngộ độc khế...), làm thay đổi triệu chứng lâm sàng hay độc chất mới nên chưa có một phác đồ chuẩn để điều trị.
Chia sẻ tại hội nghị, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy, cho biết các loại ngộ độc cấp thường gặp nhất tại Việt Nam gồm rắn độc cắn, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật, ngộ độc thuốc tân dược và ngộ độc thực phẩm.
Với khoảng 200-250 bệnh nhân bị ngộ độc thuốc tân dược thì đa số bệnh nhân đều tập trung ở phụ nữ và trẻ em. Trong đó, ngộ độc thuốc paracetamol và thuốc hướng thần là thường gặp nhất. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong cao nhất là ở bệnh nhân ngộ độc thuốc hạ áp (27,3%) và thuốc chống trầm cảm 3 vòng (7,3%).
Đặc biệt, theo TS. Lê Quốc Hùng, tỷ lệ nữ giới ngộ độc rượu và thuốc gây nghiện gia tăng theo thời gian. Trong khi ngộ độc rượu có xu hướng trẻ hóa, ngộ độc do chất gây nghiện lại tăng lên ở nữ giới. Tỷ lệ tử vong cao trong ngộ độc rượu là do tỷ lệ ngộ độc methanol tăng.
Đối với các trường hợp ngộ độc do bị rắn cắn, trong giai đoạn 2018-2019, số bệnh nhân bị rắn cắn đến BV Chợ Rẫy điều trị lên đến trên 700 người/năm với độ tuổi ngày một cao hơn, tỷ lệ tử vong chung là 0.5%.
"Việc số lượng người bị rắn cắn tăng lên có thể bắt nguồn chủ yếu từ quá trình đô thị hóa gia tăng, làm tăng khả năng tiếp xúc giữa người và động vật hoang dã", TS.BS Hùng giải thích.
Từ những ca bệnh được điều trị tại BV Chợ Rẫy, rắn độc cắn người chia làm 8 loài, trong đó 4 loài thường gặp nhất gồm lục xanh và chàm quạp (60-75%), tiếp theo là hổ mèo và hổ đất (15-20%).
Mặc dù số lượng bệnh nhân bị rắn cắn nhiều nhưng nước ta chỉ chủ động tự sản xuất được huyết thanh kháng nọc rắn lục xanh và hổ đất. Những loại huyết thanh khác cần được nghiên cứu và sản xuất thêm.
Ngoài ra, khả năng xét nghiệm tìm độc chất hay xác định nồng độc độc chất còn rất hạn chế, nhiều loại thuốc giải độc đắt đỏ và không có sẵn, phác đồ điều trị chưa được bổ sung, cập nhật theo sự phát triển của khoa học kỹ thuật, chưa có sự kết nối giữa các đơn vị hồi sức cấp cứu chống độc ở các vùng miền của cả nước dẫn đến sự hạn chế trong việc chẩn đoán, điều phối, điều trị bệnh nhân nhiễm độc. Vấn đề chuyên gia về hồi sức chống độc còn thiếu cũng khiến ngành Chống độc của Việt Nam nói chung và BV Chợ Rẫy nói riêng đối diện với hàng loạt khó khăn, thách thức.