Trẻ sốt co giật do cúm A: Bác sĩ nhắc phụ huynh không thể thiếu một thứ trong nhà

Tin y tế 10/02/2025 19:07

Trước việc một số trẻ nhỏ bị co giật do sốt cao vì mắc cúm A, bác sĩ đã lên tiếng cảnh báo những điều mà phụ huynh nên chú ý, đặc biệt không thể thiếu một thứ trong nhà.

Trẻ sốt cao, co giật vì mắc cúm A

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh một trẻ nhỏ bị sốt cao lên cơn co giật do nhiễm cúm A khiến nhiều người bàng hoàng, hốt hoảng.

Theo đó, một cháu bé đang được người thân bế do sốt cao tại phòng khám đã lên cơn co giật. Ngay lúc này, có y bác sĩ đã tiến hành sơ cứu. Bác sĩ cũng cảnh báo các gia đình có trẻ nhỏ nên chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt, đồng thời trang bị kiến thức để có thể kịp thời xử lý những tình huống tương tự, nhất là khi cúm A đang phổ biến như hiện nay.

Đoạn clip sau khi được đăng tải đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người chia sẻ để cảnh báo người thân, bạn bè…

Trẻ sốt co giật do cúm A: Bác sĩ nhắc phụ huynh không thể thiếu một thứ trong nhà - Ảnh 1
Hình ảnh cháu bé bất ngờ lên cơn co giật khi sốt cao do cúm A được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh cắt từ clip

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các chủng virus cúm gây ra. Bệnh rất dễ bị nhầm lẫn với cảm thông thường do có nhiều triệu chứng khá tương đồng.

Tuy nhiên, người bị cúm A không nên xem nhẹ. Bệnh diễn tiến rất nhanh và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch trên diện rộng, gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và cả cuộc sống của người bệnh. Thậm chí có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khó lường trước.

Theo bác sĩ Thiệu, sốt cao gây co giật thường ít gặp do nguyên nhân cúm vì cúm thường sốt không quá cao. Tuy nhiên, cùng nguyên nhân cúm nhưng có trẻ không sốt hoặc sốt cao, đối tượng sốt gây co giật thường nằm ở khoảng 39 độ C trở lên, nhiệt độ càng cao nguy cơ này xuất hiện càng nhiều.

"Độ tuổi hay gặp co giật do sốt khoảng 6 tháng đến 5 tuổi, thường hay gặp ở trẻ 12 tháng đến 18 tháng tuổi. Để giảm nguy cơ co giật các bố mẹ nên theo dõi nhiệt độ cho trẻ, nhiệt độ chính xác nhất vẫn là nhiệt kế thủy ngân. 

Khi trẻ trên 38 độ C có thể bắt đầu dùng thuốc hạ sốt, đặc biệt lưu ý đối với trẻ đã có tiền sử co giật trước đó thì không nên để sốt cao. Sốt co giật đơn thuần thường không gây tổn thương não và không để lại di chứng. Nếu cơn sốt cao liên tục từ 39 - 40 độ C và không hạ sốt thì cần đưa trẻ đến viện thăm khám ngay", bác sĩ Thiệu nhấn mạnh.

Trẻ sốt co giật do cúm A: Bác sĩ nhắc phụ huynh không thể thiếu một thứ trong nhà - Ảnh 2
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi mắc cúm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC.

Dấu hiệu nào cần đưa trẻ mắc cúm A đến ngay bệnh viện?

Chia sẻ thêm về vấn đề này, TS.BS Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, ngoài các triệu chứng ban đầu như sốt, viêm long đường hô hấp, trẻ nhiễm cúm A thường sốt cao 39-40 độ C, da mắt sung huyết, họng sung huyết, đỏ toàn bộ, mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc. Nhiều trường hợp nặng có cảm giác khó thở, viêm phổi, viêm tiểu phế quản…

Khi trẻ có biểu hiện của sốt cao và viêm long đường hô hấp, cha mẹ cần cho con đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất. Phần lớn trẻ mắc cúm mùa được chẩn đoán mắc cúm đơn thuần sẽ được kê đơn thuốc điều trị ngoại trú. Những trường hợp có biểu hiện của biến chứng viêm đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản sẽ có chỉ định nhập viện điều trị.

Bác sĩ khuyến cáo cúm A là bệnh rất dễ lây lan, mọi người đều có thể mắc, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng cúm chủ động, nâng cao thể trạng cho trẻ, giữ gìn vệ sinh cá nhân, thường xuyên vệ sinh không gian sống và vui chơi của trẻ.

Trẻ sốt co giật do cúm A: Bác sĩ nhắc phụ huynh không thể thiếu một thứ trong nhà - Ảnh 3
Các cách phòng bệnh cúm mùa. Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bác sĩ Thiệu cũng nhấn mạnh thêm, cúm A ở trẻ có thể gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cha mẹ cần lưu ý và theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ một cách cẩn thận.

"Các dấu hiệu cảnh báo cần nhập viện khẩn cấp gồm: Sốt cao liên tục ≥ 39⁰C, không đáp ứng thuốc hạ sốt hoặc co giật. Khó thở, thở nhanh hoặc nhịp thở bất thường. Đau ngực, hoặc đau cơ dữ dội. Tím môi và đầu chi, tay chân lạnh. Trẻ li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều. Với trường hợp nhẹ có thể điều trị tại nhà, phụ huynh cần tuân thủ cho trẻ dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý mua thuốc cho trẻ hoặc cho trẻ uống quá liều", bác sĩ Thiệu nhấn mạnh.

Trong quá trình chăm sóc và điều trị cúm tại nhà cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý cho trẻ ở phòng riêng tối thiểu 7 ngày, tính từ thời điểm xuất hiện triệu chứng đầu tiên của bệnh. Phòng ở của trẻ nên gọn gàng, sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.

Việc vệ sinh, tắm rửa của trẻ cũng nên được thực hiện tại phòng vệ sinh riêng. Nếu không có nhà vệ sinh riêng, nên cho trẻ đeo khẩu trang và rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh.

Không nên cho trẻ ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết. Khi ra ngoài nên cho trẻ đeo khẩu trang, giữ ấm đầy đủ để tránh nhiễm lạnh. Chú ý chế độ ăn của trẻ. Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng trong các bữa ăn hàng ngày. Cho trẻ ăn thức ăn mềm, loãng, dễ tiêu hóa, bổ sung rau xanh và uống nhiều nước.

Đã xác định nguyên nhân 3 bệnh nhi ở Quảng Nam tử vong dịp Tết: Do tiêu chảy, viêm phổi kéo dài

Bác sĩ Trần Văn Kiệm – Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam cho biết, cả 3 trường hợp trẻ em tử vong này không phải do bệnh sởi, mà do biến chứng nặng khi mắc bệnh tiêu chảy và viêm phổi, nhưng không được chữa trị kịp thời.

TIN MỚI NHẤT