Thông tin mới vụ 3 trẻ ngộ độc botulinum do ăn chả lụa hư

Tin y tế 20/05/2023 21:10

Cơ quan Y tế thành phố cho biết, người bán dạo lấy giò lụa từ một cơ sở sản xuất giò lụa hoạt động “chui” ở phường Trường Thọ (thành phố Thủ Đức).

Thông tin từ Báo Tin tức cho hay, qua kiểm tra, người bán dạo này lấy giò lụa từ lò bánh mì V. Lò bánh mì này đã lấy giò lụa tại một cơ sở sản xuất giò lụa ở phường Trường Thọ (thành phố Thủ Đức). Tuy nhiên, qua kiểm tra, cơ sở sản xuất giò lụa này hoạt động gần 2 tháng và đây là cơ sở hoạt động “chui”, không giấy phép, không biểu hiệu…

“Hiện cơ quan chức năng đã lấy mẫu giò lụa tại cơ sở này để mang đi xét nghiệm và đang chờ kết quả; đồng thời yêu cầu cơ sở này đóng cửa và ngừng hoạt động ngay”, ông Nguyễn Văn Khuôn cho biết thêm.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Khuôn cho biết, hiện Phòng Y tế thành phố Thủ Đức đã chỉ đạo cho tất cả các phường trên địa bàn tăng cường công tác thanh kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, đặc biệt những cơ sở sản xuất giò lụa, bún, phở…

Thông tin mới vụ 3 trẻ ngộ độc botulinum do ăn chả lụa hư - Ảnh 1

Bệnh nhân bị ngộ độc botulinum được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Báo Tin tức

Theo ông Nguyễn Văn Khuôn, hiện các cơ quan chức năng đang gặp rất nhiều khó khăn khi kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm hoạt động “chui”, bởi những cơ sở này thường không có biểu hiệu, không đăng ký và các cơ quan chức năng chỉ phát hiện khi có trường hợp đáng tiếc xảy ra.

“Đáng lo ngại nhất hiện nay, đó chính là thực phẩm được bán trên online ở các hội nhóm dưới danh nghĩa thực phẩm nhà làm. Để tăng cường công tác kiểm tra những cơ sở này, chúng tôi đã chỉ đạo các phường phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, trong đó đặc biệt lưu ý các cơ sở sản xuất giò lụa và bún, phở”, ông Khuôn thông tin thêm.

Theo Tuổi Trẻ trước đó, ngày 16-5, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho hay đã chuyển những lọ thuốc giải độc tại Quảng Nam về cứu sống ba anh em ruột bị ngộ độc botulinum.

Thông tin mới vụ 3 trẻ ngộ độc botulinum do ăn chả lụa hư - Ảnh 2
3 trẻ ngộ độc nghiêm trọng. Ảnh: Sức khỏe và Đời sống

Cụ thể, khoảng 9h ngày 13-5, gia đình bốn người (ngụ TP Thủ Đức) gồm một người dì cùng ba anh em ruột là N.V.H. (14 tuổi), N.V.Đ. (13 tuổi) và N.T.X. (10 tuổi) có mua chả lụa từ người bán dạo không rõ nguồn gốc để ăn với bánh mì.

 

Sau khi ăn, khoảng từ 12h - 18h cùng ngày, cả bốn người đều bị đau bụng, ói và tiêu chảy nhiều lần.

Tiếp đó, xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, đau người và ba anh em yếu cơ dần.

Đến ngày 14-5, cả ba anh em được đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cấp cứu trong tình trạng mệt lả.

Trong đó bệnh nhi N.V.Đ. có biểu hiện sụp mi, yếu hai chân và đến 5h sáng 15-5 thì bị suy hô hấp, phải đặt nội khí quản thở máy.

Hai trường hợp còn lại là N.V.H. và N.T.X. cũng có biểu hiện sụp mi, yếu chân vào chiều 14-5.

Đến sáng 15-5, hai bé này cũng bị sụp mi mắt, yếu dần tứ chi, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã mời bác sĩ khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ do nghi ngờ các bệnh nhân bị ngộ độc.

Khoảng 15h ngày 15-5, sau khi hội chẩn, các bác sĩ hai bệnh viện chẩn đoán nghi ngộ độc botulinum do ăn chả lụa.

Các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp với chẩn đoán ngộ độc botulinum.

Do tính chất cấp bách của bệnh lý ngộ độc botulinum nếu điều trị trễ sẽ dẫn đến liệt cơ, suy hô hấp phải thở máy từ 3 - 6 tháng, các bác sĩ đã quyết định điều trị sớm nhất có thể để tránh biến chứng nặng.

 

Nóng: Ngày 20/5, 1 bệnh nhân tử vong vì COVID-19

Ngày 20/5: Ca COVID-19 mới giảm còn 1.190, có 1 bệnh nhân tử vong.

TIN MỚI NHẤT