Tình hình dịch sốt xuất huyết có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới.
- Vụ 3 anh em ngộ độc nghi ăn chả lụa hư: Một trẻ suy hô hấp tiến triển nặng
- Thông tin mới nhất việc phát hiện đỉa còn ngoe nguẩy trong bình nước cấp cho trường mầm non
Dịch sốt xuất huyết tăng nhanh
Theo CDC Hà Nội, trong năm 2023, tính đến ngày 15/5, toàn TP Hà Nội ghi nhận 250 ca mắc sốt xuất huyết, số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Số ca mắc ghi nhận tại 27/30 quận, huyện, thị xã và tại 143/579 xã, phường, thị trấn. Ghi nhận 14 ổ dịch tại 9 quận, huyện gồm: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thạch Thất, Hà Đông, Thanh Oai, Hoài Đức, Tây Hồ.
Thời gian qua, CDC Hà Nội đã chủ động phối hợp với các đơn vị trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch các cấp; triển khai kế hoạch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy, diệt muỗi chủ động phòng, chống sốt xuất huyết.
Đồng thời xây dựng kế hoạch phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (15/6/2023); tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát dịch tễ, véc tơ truyền bệnh, phát hiện sớm, khoanh vùng xử lý ổ dịch, ca bệnh tại cộng đồng.
Thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ các đơn vị triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại cơ sở.
Các đơn vị cũng đã chủ động, kịp thời tổng hợp, báo cáo tình hình dịch sốt xuất huyết trên phần mềm theo Thông tư 54 theo quy định.
Theo nhận định của CDC Hà Nội, tình hình dịch sốt xuất huyết có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho loăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển.
Hiện nay, số ca mắc đang tăng theo tuần, có thể ghi nhận bệnh nhân nặng và tử vong so với năm 2022. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và ngành Y tế thì người dân cũng cần nâng cao nhận thức, ý thức, thực hiện nghiêm túc quy định về phòng, chống dịch.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương yêu cầu, thời gian tới, các đơn vị tiếp tục tham mưu cho chính quyền địa phương về triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở.
Đồng thời, thực hiện rà soát, đề xuất tháo gỡ khó khăn về định mức chi cho hệ y tế dự phòng làm sao cho phù hợp; đảm bảo đầy đủ vật tư hoá chất, máy phun sử dụng trong phòng, chống dịch. CDC Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các đơn vị triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh.
Các phụ huynh và gia đình lưu ý những triệu chứng phát hiện bệnh như sau:
Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết
Triệu chứng bệnh sốt xuất huyết lâm sàng rất đa dạng và dễ nhầm lẫn, có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng. Tùy theo từng mức độ khác nhau, biểu hiện nhận diện sốt xuất huyết cụ thể như sau:
- Dấu hiệu sốt xuất huyết nhẹ
Cấp độ sốt xuất huyết nhẹ thường xuất hiện ở người có lần đầu tiên mắc bệnh vì chưa có miễn dịch với virus Dengue. Đây là mức độ có các triệu chứng điển hình và không gây biến chứng nguy hiểm. Bệnh thường khởi phát với triệu chứng sốt và kéo dài trong vòng 4-7 ngày tính từ khi bị truyền bệnh bởi muỗi. Ngoài ra, các triệu chứng khác cảnh báo bệnh như:
Sốt cao, lên đến 40,5 độ C;
Đau đầu nghiêm trọng;
Đau phía sau mắt;
Đau khớp và cơ;
Buồn nôn và ói mửa;
Phát ban.
Các ban sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt và dần thuyên giảm sau 1-2 ngày. Người bệnh có thể bị nổi ban lại một lần nữa vào ngày sau đó.
- Biểu hiện sốt xuất huyết nặng
Ở mức độ này, các dấu hiệu sốt xuất huyết bao gồm tất cả các triệu chứng của dạng sốt xuất huyết nhẹ kèm theo các tổn thương ở mạch máu và mạch bạch huyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím. Cấp độ bệnh này có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, cần điều trị khẩn cấp, thậm chí gây tử vong.
Hiện sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Muỗi vằn chính là nguồn lây bệnh trung gian và cách tốt nhất để phòng bệnh sốt xuất huyết là tiêu diệt muỗi tận gốc, khi đó nguy cơ bùng phát dịch sẽ giảm đi đáng kể.
Biện pháp phòng và diệt bọ gậy, lăng quăng, muỗi:
Thay nước thường xuyên cho các lọ hoa, chậu cây cảnh có nước,…
Thả cá vàng vào bể cá, hồ cá, hòn non bộ,… để tiêu diệt bọ gậy, lăng quăng.
Che đậy lu nước, xô nước,…
Xúc rửa các dụng cụ chứa nước hàng tuần.
Lật úp các dụng cụ chứa nước khi không sử dụng.
Thu gom phế liệu, rác thải thường xuyên.
Phát quang bụi rậm, cây cối trong vườn.
Phun thuốc diệt muỗi quanh nhà.
Thay đổi thói quen sinh hoạt:
Ngủ màn kể cả ban ngày.
Mặc quần áo dài tay, dài chân và nhạt màu khi ra ngoài.
Thoa dầu tràm hoặc kem chống muỗi.
Mùa mưa, nên hạn chế ra ngoài vào buổi chiều tối, đặc biệt không đến những nơi um tùm, ẩm thấp, nhiều cây cối,…
Ba mẹ khi cho bé ra ngoài vui chơi cần theo dõi, giám sát bé thường xuyên, không để bị muỗi đốt.
Đóng kín các cửa trong nhà.
Người bị sốt xuất huyết cần ngủ màn thường xuyên để phòng tránh muỗi đốt và lây truyền cho những thành viên khác trong nhà.