Người phụ nữ tử vong do nhiễm vi khuẩn 'ăn thịt người', biểu hiện từ những cơn sốt cao, khó thở

Tin y tế 23/10/2023 14:39

Người phụ nữ ở Quảng Nam tử vong sau thời gian nhập viện trong tình trạng sốt cao, khó thở, mệt mỏi do nhiễm bệnh Whitmore hay còn gọi là vi khuẩn "ăn thịt người".

Theo thông tin từ báo Sài Gòn Giải Phóng, ngày 23/10, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam thông tin, Sở đã nhận được báo cáo của Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Quảng Nam liên quan đến ca bệnh Whitmore hay còn gọi là vi khuẩn "ăn thịt người" trên địa bàn.

Cụ thể, trưa ngày 11/10, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí tiếp nhận bệnh nhân nữ N.T.T.V (sinh năm 1976, trú tại xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) vào cấp cứu trong tình trạng sốt cao, khó thở, mệt mỏi, thở gắng sức.

Sau khi được xử trí cấp cứu, bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm phổi nặng, theo dõi nhiễm khuẩn huyết. Bệnh kèm đái tháo đường type 1 bỏ điều trị khoảng 1 năm, biến chứng suy hô hấp cấp, tăng đường máu cấp.

Bệnh nhân được chỉ định các cận lâm sàng như xét nghiệm, X quang, siêu âm điện tim, cấy máu, cấy đàm... Nhưng hiện tại bệnh viện chưa thực hiện được cấy máu và cấy đàm nên phải gửi mẫu thực hiện tại Trường Đại học Phan Châu Trinh.

Tuy nhiên, đến 16 giờ 45 ngày 11/10, do tình trạng bệnh diễn biến xấu, tiên lượng nặng nên bệnh nhân được hội chẩn và thống nhất chuyển Bệnh viện Đà Nẵng điều trị tiếp. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong sau đó.

Đến ngày 14/10, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Quảng Nam nhận được kết quả cấy máu và cấy đàm của bệnh nhân V. gửi về với kết quả bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Burkholederia pseudomallei (gây ra bệnh Whitmore).

Người phụ nữ tử vong do nhiễm vi khuẩn 'ăn thịt người', biểu hiện từ những cơn sốt cao, khó thở - Ảnh 1
Vi khuẩn ăn thịt người - Ảnh: Internet

Dẫn tin từ Sức khỏe Đời sống, bệnh Whitmore (hay còn gọi là Melioidosis) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp tính do vi khuẩn gram âm có tên Burkholderia Pseudomallei gây nên. Bệnh do bác sĩ Afred Whitmore mô tả năm 1912 tại Miến Điện, từ đó lấy tên Whitmore. Vi khuẩn này sống trên bề mặt nước và trong đất, đặc biệt là bùn đất, lây sang người qua vết trầy xước trên da hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất hoặc giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn, nhất là vào mùa mưa.

Người nhiễm bệnh Whitmore có tỷ lệ tử vong từ 40 - 60%. Trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh. Cách suy nghĩ về bệnh phải được hiểu đúng là do vi khuẩn có thể làm hoại tử và chết các mô trong cơ thể, ở da thì viêm loét hay áp xe, ở phổi thì gây viêm phổi, trong máu thì gây nhiễm trùng máu…

Hầu hết các ca nhiễm vi khuẩn Whitmore xuất phát từ các nguyên nhân phổ biến bao gồm:

- Người bệnh từng hít phải bụi bẩn hoặc nước mưa có chứa vi khuẩn Whitmore.

- Vết trầy xước trên da khi tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm, chứa hóa chất, chất thải, nhiều nhất là ở vùng ao hồ, đầm lầy, đồng ruộng...

- Đường xâm nhập vào cơ thể người của vi khuẩn thường gặp nhất là qua da bị trầy xước. Những người thường xuyên tiếp xúc với đất và nước bị nhiễm vi khuẩn, nhưng không sử dụng bảo hộ lao động phù hợp là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lý này. Ngoài ra, người mắc bệnh còn do hít phải những hạt bụi có chứa vi khuẩn hay dùng nước uống, ăn những thực phẩm có chứa vi khuẩn chưa được xử lý đúng cách.

- Bệnh rất hiếm khi lây truyền từ người sang người, hoặc từ động vật sang người qua đường không khí. Vì thế, bệnh thường không bùng phát thành dịch hoặc đại dịch.

Cảnh báo dịch bệnh lây lan sau mưa bão, lũ lụt, đặc biệt là vi khuẩn 'ăn thịt người'

Ngập lụt sau mưa lũ là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, virus truyền bệnh phát triển, gây dịch bệnh cho người.

TIN MỚI NHẤT