Trong khoảng 5 năm gần đây, tỉ lệ bệnh nhân trẻ mắc bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ tăng lên khoảng 5 - 10%.
- Bác sĩ chỉ ra nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ ở người lớn và dấu hiệu cần đi khám ngay
- Loại nấm khiến 3 người ngộ độc tử vong sau bữa trưa: Hình dạng giống nấm rơm, nhưng độc tố gây chết người dù chỉ ăn nửa cây
Theo thông tin từ VietNamNet, nam thanh niên 26 tuổi ở Hà Nội thấy mệt, đau đầu, đi khám được bác sĩ thông báo mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải điều trị lọc máu cấp cứu ngay.
“Hằng tuần, tôi chạy thận 3 lần, chi phí mỗi lần không ít. Bác sĩ nói phải sống chung với bệnh suốt đời, trong khi tôi không có đủ sức khỏe lao động, sống phụ thuộc vào gia đình", nam thanh niên nói.
Một trường hợp khác cũng bất ngờ phát hiện bệnh thận khi còn trẻ là chị T.H, 23 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội. Chị phát hiện bệnh suy thận mạn sau lần đi khám sức khỏe để xin việc, trước đó, các triệu chứng bệnh của chị không rõ ràng.
Chị được tư vấn quản lý theo chuyên khoa thận tại một cơ sở y tế, khoảng 2 năm, sức khỏe tương đối ổn định. Sau đó, chị H. nghe theo người quen uống thuốc nam, chỉ 2 tuần sau bệnh tiến triển nặng lên, bắt buộc phải điều trị thay thế thận bằng hình thức lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Dẫn tin từ báo Lao Động, theo TS Nguyễn Văn Tuyên – Trưởng khoa Nội thận tiết niệu (Bệnh viện đa khoa Đức Giang): “Bệnh thận mạn có xu hướng trẻ hóa trong những năm gần đây, có trường hợp nam thanh niên 18 tuổi chỉ được phát hiện ra bệnh thận giai đoạn cuối khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự".
Ngoài những nguyên nhân dẫn tới bệnh thận mạn giai đoạn cuối như di truyền, thận đa nang, nhiễm khuẩn, bệnh tư miễn... thì với cuộc sống đô thị hiện đại, thói quen sinh hoạt không lành mạnh
Đơn cử như tình trạng ăn uống thừa năng lượng, thức ăn chế biến sẵn nhiều hóa chất bảo quản, lạm dụng các loại đồ uống, cùng với lối sống ít vận động thể lực cũng là những nguyên nhân dẫn tới trẻ hóa suy thận mạn. Tỉ lệ bệnh nhân nam suy thận mạn nhiều hơn nữ.
Hệ lụy từ nhóm bệnh nhân này, khi đang trong độ tuổi lao động, nếu bị mắc bệnh thì làm giảm sức khỏe của chính bản thân người bệnh và giảm sức lao động của gia đình, xã hội. Sau đó là gánh nặng kinh tế cho gia đình, gánh nặng cho y tế.
Triệu chứng của bệnh suy thận thường mơ hồ, không có các biểu hiện rõ ràng, dễ bị bỏ qua, nhất là những người trẻ có tâm lý chủ quan, lơ là, bỏ qua những biểu hiện bất thường của cơ thể.
"Khi bệnh xuất hiện những biểu hiện lâm sàng thì bệnh nhân đã ở giai đoạn cuối phải chỉ định lọc máu chu kỳ, nếu không được chạy thận nhân tạo (lọc máu) sẽ gây ra các biến chứng và thậm chí là tử vong. Suy thận mạn tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính"- TS Nguyễn Văn Tuyên cho biết thêm.