Mới đây, virus Marburg bùng phát ở Trung Phi, chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng, chống.
- Hà Nam: Cô gái 21 tuổi ngộ độc thuốc diệt chuột, hôn mê sâu, co giật mạnh
- Dịch sốt xuất huyết ở Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận những ca nặng, ở mức cao dù giảm bớt số lượng
Nguy cơ Việt Nam đến đâu?
Theo thông tin từ Tuổi Trẻ, ngày 13-2, Guinea Xích Đạo (một quốc gia ở bờ biển phía tây của Trung Phi) đã xác nhận đợt bùng phát bệnh đầu tiên do vi rút Marburg, sau cái chết của ít nhất 9 người ở tỉnh Kie Ntem phía tây đất nước này.
Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thông tin Marburg lây lan qua đường dịch tiết (như máu), đường tiếp xúc ngoài da, tiếp xúc với các bề mặt vật dụng có virus hoặc tiếp xúc gần bệnh nhân...
“Marburg lây lan qua các con đường trên mức độ trầm trọng sẽ thấp hơn so với các virus lây qua đường hô hấp. Các loại virus lây qua đường hô hấp tốc độ lây rất nhanh, có thể gây đại dịch. Trong khi đó, Marburg lây qua đường dịch tiết, tiếp xúc, khả năng trở thành đại dịch như cúm, COVID-19 sẽ thấp hơn”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói.
“Với tình hình mở cửa giao thương, phát triển đại dịch, không loại trừ khả năng virus này lây lan sang Việt Nam. Tuy nhiên, hiện loại virus này chưa có yếu tố để trở thành đại dịch. Tùy thuộc đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) các nước sẽ có chính sách phòng chống dịch phù hợp”, bác sĩ Cấp cho biết thêm.
Chủ động phòng, tránh
Cũng theo Báo Kinh tế đô thị, PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý, đặc điểm của virus Marburg gây nên triệu chứng bệnh nặng, sốt xuất huyết, với tỷ lệ tử vong cao. Bệnh sốt xuất huyết do virus Marburg có triệu chứng gần giống virus Ebola: Xuất huyết, tổn thương da, niêm mạc… Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh do virus Marburg là một bệnh có độc lực cao, gây sốt xuất huyết, tỉ lệ tử vong lên tới 88%.
“Do đó, người dân không nên chủ quan nhưng cũng không nên quá hoang mang, lo lắng, quan ngại. Người dân cần áp dụng tốt các biện pháp phòng bệnh. Nếu có những ca xâm nhập từ Châu Phi về nước, nếu người dân có những triệu chứng của bệnh, cần khai báo ngay với địa phương, cơ sở y tế, thực hiện biện pháp cách ly, không tiếp xúc với người khác để tránh lây lan” - PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh do virus Marburg gây ra có biểu hiện ban đầu giống như sốt virus thông thường như: Cơ thể sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, mỏi cơ khớp, buồn nôn… Sau đó bệnh nặng lên, bệnh nhân có thể có rối loạn đông máu, suy đa phủ tạng, tử vong tương đối nhanh chóng trong vòng 7 ngày, tương tự virus Ebola.
Người nhiễm virus Marburg thường có triệu chứng và được cách ly theo quy định. Vì vậy, khả năng bị lây của người Việt Nam do tiếp xúc từ người cũng thấp.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để đối phó với tình hình lây lan phức tạp của dịch bệnh, cần đưa ra một loạt các biện pháp và áp dụng đồng thời để mang lại hiệu quả như: phát hiện kịp thời ca bệnh khi mới phát sinh, tìm kiếm những người đã tiếp xúc và có khả năng bị lây nhiễm virus, cách ly và khoanh vùng những địa phương có ca bệnh, hạn chế tối đa sự lây lan cộng đồng, tuyên truyền cho mọi người biết thông tin về virus Marburg,…
Với sự lây nhiễm của virus Marburg, người dân hãy hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người bệnh và đặc biệt, khi chăm sóc bệnh nhân tại nhà, phải mang găng tay, đồ bảo hộ được khuyên dùng. Người dân cần rửa tay thường xuyên sau khi thăm người bệnh tại bệnh viện, hoặc sau khi chăm sóc họ tại nhà.