Tại TP.HCM, trong hơn 1 tháng qua đã vận động được 170 người thuộc nhóm nguy cơ cao tiêm vắc xin mũi 1 sau hơn 3 năm dịch.
- Phát hiện thuốc tránh thai, bao cao su trong cặp con, cha mẹ 'đứng hình' và lời khuyên của bác sĩ
- Dịch COVID-19 ngày 5/6: Có 326 ca COVID-19 mới, 25 bệnh nhân đang thở oxy
Với khả năng bùng phát dịch Covid-19 trở lại trên cả nước, UBND TPHCM đã chỉ đạo Ngành Y tế và các địa phương kích hoạt trở lại việc bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc và nhiễm bệnh nặng.
Sau hơn 1 tháng kích hoạt chiến dịch (bắt đầu từ 19/4), TPHCM đã tiến hành rà soát và lập danh sách cho 165.645 người thuộc nhóm người nguy cơ (người trên 50 tuổi, người có bệnh nền). Qua đó, nâng tổng số người nguy cơ đang được quản lý đến thời điểm hiện tại là hơn 1.071.400 người.
Đồng thời, TPHCM đã triển khai tiêm cho hơn 19.300 người nguy cơ, vận động được 170 người chưa tiêm đi tiêm mũi 1, hàng trăm người tiêm mũi 2 và mũi bổ sung, hơn 4.400 người được tiêm mũi 3, hơn 14.100 người được tiêm mũi 4.
Hiện nay, TPHCM chỉ còn hơn 3.600 người thuộc nhóm nguy cơ đang được các địa phương quản lý chưa tiêm vaccine (chiếm 0,34%).
Theo HCDC, Công văn số 10815/BYT-DP ngày 21/12/2021 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc COVID-19. Những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ dễ mắc bệnh nặng khi nhiễm COVID-19 bao gồm:
- Người trên 50 tuổi
- Người có bệnh nền
- Phụ nữ có thai
- Người chưa tiêm đủ vắc-xin phòng COVID-19 ở người trên 18 tuổi
Trong đó, người có bệnh nền có nguy cơ cao theo danh mục của Bộ Y tế gồm:
1. Đái tháo đường
2. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh phổi khác
3. Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác)
4. Bệnh thận mạn tính
5. Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu
6. Béo phì, thừa cân
7. Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim)
8. Bệnh lý mạch máu não
9. Hội chứng Down
10. HIV/AIDS
11. Bệnh lý thần kinh, bao gồm sa sút trí tuệ
12. Bệnh hồng cầu hình liềm
13. Bệnh hen suyễn
14. Tăng huyết áp
15. Thiếu hụt miễn dịch
16. Bệnh gan
17. Rối loạn sử dụng chất gây nghiện
18. Sử dụng corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác
19. Các loại bệnh hệ thống
20. Các bệnh nền của trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Y tế
Sở Y tế TPHCM cho biết, trong thời gian trên, địa phương đã tăng cường hoạt động truyền thông, tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho người thuộc nhóm nguy cơ biết cách tự theo dõi sức khỏe, thực hiện tốt thông điệp 2K. Đặc biệt là đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi tập trung đông người.
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cũng ban hành các tài liệu, sản phẩm truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, đưa ra những lưu ý giúp giảm nguy cơ diễn tiến nặng khi nhiễm Covid-19 cho người đang có bệnh nền, người cao tuổi, người thân hoặc người chăm sóc cho người thuộc nhóm nguy cơ.
Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ tại TPHCM sẽ tiếp tục được thực hiện đến hết tháng 6.
Trước đó, tại phiên họp thứ 20, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thống nhất chuyển bệnh COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, đồng thời, ban hành hướng dẫn việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với dịch bệnh nhóm B và khuyến cáo của WHO để xây dựng kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch COVID-19 giai đoạn 2023-2025 phù hợp với tình hình mới.
Theo quy định, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và có tỉ lệ tử vong cao, hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.
Bệnh truyền nhiễm nhóm B là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.Hiện nay, bệnh COVID-19 đáp ứng các tiêu chí thuộc bệnh truyễn nhiễm nhóm B theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Để triển khai đồng bộ, thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch sau khi bệnh COVID-19 chuyển từ nhóm A sang nhóm B, Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị rà soát các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp phù hợp với tình hình dịch bệnh thời gian tới.