Trưởng phòng GD-ĐT H.Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, trên địa bàn huyện đang xảy ra dịch đau mắt đỏ, khiến 2.342 em ở các cấp học được ghi nhận mắc căn bệnh này.
- Đà Nẵng: khan hiếm thuốc chữa đau mắt đỏ, nhiều nơi 'hét' giá cao
- Sở Y tế Đà Nẵng ra công văn khẩn về bệnh đau mắt đỏ
Theo thông tin từ báo Lao Động, chiều 13/9, ông Phan Quốc Thanh - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Khê - thông tin, toàn huyện Hương Khê có hơn 22.000 học sinh thì hiện nay có hơn 2.300 em mắc bệnh đau mắt đỏ đang được nhà trường cho tạm thời nghỉ học để tránh lây lan dịch. Khi nào các học sinh lành đau mắt trở lại trường sẽ được dạy bù để bổ sung kiến thức.
Theo Trung tâm Y tế huyện Hương Khê, từ đầu tháng 9/2023 đến nay, toàn huyện có hơn 5.600 ca bệnh đau mắt đỏ xảy ra ở 21/21 xã, thị trấn. Trong đó, có gần 3.000 ca bệnh là học sinh và giáo viên.
Theo thông tin từ báo Thanh Niên, trước diễn biến của dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn, Trung tâm Y tế H.Hương Khê đề nghị trạm y tế các xã, thị trấn và ngành GD-ĐT huyện tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và theo dõi việc chấp hành biện pháp phòng, chống dịch. Tại các trường học, ngành y tế cũng yêu cầu nhà trường lập danh sách các trường hợp nhiễm bệnh để theo dõi, hướng dẫn phụ huynh đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám và điều trị.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh, hiện dịch bệnh đau mắt đỏ hầu như đã lan khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh với hàng nghìn ca mắc bệnh. Bệnh đau mắt đỏ có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do virus (thường gặp là Adenovirus). Người bị nhiễm bệnh nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Trong quá trình điều trị ở nhà, bệnh nhân nên tự cách ly, tránh tiếp xúc với người khác để phòng tránh dịch bệnh lây lan.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh khuyến cáo, để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch, không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.