Ngày 12/9, Sở GD&ĐT TP.HCM đề nghị hiệu trưởng các trường, lãnh đạo các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện bốn nội dung cụ thể để chống bệnh đau mắt đỏ lây lan.
- NÓNG: Dịch đau mắt đỏ tại TP HCM diễn biến phức tạp, số ca mắc cao nhất trong vòng 10 năm qua
- Xác định được 2 tác nhân nguy hiểm gây bệnh đau mắt đỏ ở TP.HCM
Theo thông tin từ báo Sài Gòn Giải Phóng, chiều 12/9, Sở GD-ĐT TPHCM có văn bản khẩn gửi trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, hiệu trưởng nhà trường, giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về tăng cường các hoạt động phòng bệnh đau mắt đỏ.
Theo đó, nhằm kịp thời triển khai các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh, không để dịch đau mắt đỏ bùng phát và lan rộng, Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ động triển khai các biện pháp phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do virus (thường gặp là Adenovirus).
Cụ thể, trường học cần tổ chức cho học sinh thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
Bên cạnh đó, các trường cần hướng dẫn học sinh cách vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý hoặc các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
Theo thông tin từ VTC News, thông tin đến học sinh và các đối tượng liên quan rằng người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác. Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Ngoài ra, khi phát hiện học sinh có các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm… cần hướng dẫn trẻ đi khám ngay tại cơ sở khám chữa bệnh để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Trong trường hợp cần thiết, bác sỹ sẽ có chỉ định cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan. Đồng thời thông báo kết quả khám bệnh cho giáo viên chủ nhiệm được biết.
Song song đó, nếu trường hợp phát hiện ca bệnh đau mắt đỏ trong lớp học, cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, bàn ghế của học sinh và thông báo thông tin ca bệnh cho trạm y tế để phối hợp xử lý.
Nhà trường, cơ sở giáo dục cần đẩy mạnh công tác truyền thông phòng bệnh đau mắt đỏ bằng nhiều hình thức cho giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh, phụ huynh.
"Cần truyền thông điệp đến phụ huynh có con em bị đau mắt đỏ đã có chỉ định của bác sĩ cần nghỉ học, không đến trường. Vì tính cấp thiết trong phòng chống dịch đau mắt đỏ, không để dịch bùng phát, lan rộng trên địa bàn TP.HCM, hiệu trưởng, lãnh đạo các cơ sở giáo dục khẩn trương thực hiện", Sở GD&ĐT yêu cầu.