Chuyên gia kiến nghị giảm liều khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ, cung cấp thêm lựa chọn vắc xin ngoài loại mRNA cho phụ huynh

Tin y tế 29/11/2021 11:22

Chuyên gia cho rằng, Bộ Y tế cần đánh giá kỹ các trường hợp gặp biến cố nặng vừa xảy ra, nghiên cứu giảm liều tiêm vắc xin phòng Covid-19, cung cấp thêm lựa chọn vắc xin ngoài loại mRNA cho phụ huynh được lựa chọn tiêm cho trẻ.

Liên quan tới nhiều trường hợp học sinh dưới 18 tuổi sốc phản vệ sau tiêm vắc xin phòng COVID-19, chia sẻ trên Infonet/Vietnamnet, TS. Bùi Lê Minh (trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT - ĐH Nguyễn Tất Thành) cho rằng, Bộ Y tế cần đánh giá kỹ các trường hợp gặp biến cố nặng vừa xảy ra, nghiên cứu giảm liều vắc xin Covid-19, cung cấp thêm lựa chọn vắc xin ngoài loại mRNA cho phụ huynh được lựa chọn tiêm cho trẻ.

Theo ông, thông thường thì liều người lớn hay trẻ em cũng có thể dùng chung. Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, là khi các nguy cơ dẫn tới các tác dụng phụ do đáp ứng miễn dịch không mong muốn như phản ứng dị ứng thái quá hay viêm cơ tim thì việc giảm liều khi tiêm cho trẻ lại nhằm mục đích chính là giảm các nguy cơ biến cố không mong muốn sau tiêm. "Đây là lý do ở Mỹ CDC đã khuyến nghị chỉ tiêm liều 1/3 cho trẻ 5-11 tuổi", ông nói.

TS Minh nhìn nhận, việc đánh giá lâm sàng với Pfizer khi tiêm cho trẻ em được thực hiện ở Mỹ với các đặc điểm thể trạng khác trẻ em châu Á hay Việt Nam nên nếu cẩn trọng thì nên cân nhắc giảm liều vì chúng ta cũng không có đầy đủ dữ liệu về tính đáp ứng sinh miễn dịch và an toàn với nhóm trẻ ở Việt Nam.

“Với các phản ứng dị ứng, việc giảm liều chắc chắn sẽ giúp hạn chế nguy cơ sốc phản vệ quá nhanh không kịp chữa trị, vì phản ứng dị ứng có tương quan với lượng dị nguyên cơ thể tiếp xúc. Đây cũng là cơ sở của phương pháp tiêm vắc xin giải mẫn cảm bằng cách chia nhỏ liều và vừa tiêm vừa theo dõi phản ứng trước khi tăng liều, giúp tiêm an toàn người có nguy cơ sốc phản vệ. Vì thế, tôi đề xuất xem xét phương án tiêm liều 1/2 vắc xin Pfizer cho nhóm đối tượng dưới 18 tuổi”, TS Minh kiến nghị.

tiem vac xin phong COVID-19 1
Ảnh minh họa: Internet

Trước đó, theo thông tin từ Người lao Động, các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng đã có hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em theo hình thức chiến dịch, tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học. Với trẻ trong độ tuổi 12-17 tuổi đang đi học sẽ được lập danh sách theo lớp và triển khai tiêm trước cho nhóm tuổi học sinh phổ thông trung học, lần lượt theo khối lớp từ khối 12 đến khối 11 và khối 10; tiếp đến là học sinh Trung học cơ sở từ lớp 9, 8, 7.

Với những trẻ không đi học sẽ được điều tra và lập danh sách tại cộng đồng để đảm bảo không bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng cho các cháu. Vắc-xin sử dụng tiêm chủng cho trẻ em 12-17 tuổi là vắc-xin Comirnaty của Pfizer, sử dụng tương tự như người từ 18 tuổi trở lên; với liều lượng 0,3 ml mỗi liều, đường dùng tiêm bắp; lịch tiêm gồm 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi từ 3 đến 4 tuần (21-28 ngày).

tiem vac xin phong COVID-19 2
Ảnh minh họa: Internet

"Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, chúng tôi đề nghị các địa phương và điểm tiêm chủng ấn định thời gian tiêm mũi 2 vắc-xin Covid-19 Pfizer cho trẻ em sau 3-4 tuần" - PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết.

Việt Nam tăng cường đối phó với biến chủng Omicron: Đề xuất tạm dừng các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia khu vực Nam Phi

Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24/11/2021 và có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác

TIN MỚI NHẤT