Thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm bùng phát, đặc biệt là sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng.
- Người từng bị sốt xuất huyết có bị lại không? Những điều cần lưu ý để phòng bệnh
- Hơn 250 ổ dịch sốt xuất huyết hoạt động trên địa bàn Hà Nội, dự báo diễn biến phức tạp trong những tuần tới
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua muỗi.
Thống kê tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm 2023 đến nay có 133 trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết, đặc biệt từ đầu tháng 8/2023 đến nay đã có 97 trẻ nhập viện, trong đó nhiều trẻ có dấu hiệu cảnh báo và may mắn đã được điều trị kịp thời mang lại hiệu quả sau điều trị cao.
Vậy, trẻ không may mắc sốt xuất huyết sẽ có những biểu hiện như thế nào? Việc chăm sóc và theo dõi trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà ra sao? Cách phòng bệnh sốt xuất huyết? Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế?
Dấu hiệu trẻ mắc sốt xuất huyết
Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, ngoài các dấu hiệu thông thường như sốt, mệt mỏi, đau bụng giống các bệnh lý thông thường, nếu trẻ có thêm triệu chứng đau đầu, buồn nôn, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, cha mẹ cần nghĩ ngay đến trẻ mắc sốt xuất huyết và đưa đến cơ sở y tế để thăm khám.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh sốt xuất huyết trở nặng
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga - Phó trưởng khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, giai đoạn từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh là thời kỳ bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm, đặc biệt khi trẻ có biểu hiện: đau bụng, buồn nôn, nôn, tiểu ít, bứt rứt, lờ đờ, mạch nhanh; hoặc tình trạng chảy máu nặng như: chảy máu mũi, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa... là những tình trạng bệnh nặng cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Một số biện pháp chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà
Nếu phát hiện bệnh sớm trong những ngày đầu tiên khi trẻ mới có dấu hiệu sốt mà chưa có những dấu hiệu cảnh báo, có thể hướng dẫn theo dõi tại nhà.
Thạc sĩ Đỗ Thị Thúy Hậu, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện nhi Trung ương hướng dẫn chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà:
1. Hạ nhiệt, hạ sốt cho trẻ
- Khi trẻ sốt trên 38 độ C, cha mẹ cho con uống Paracetamol từ 10 - 15 mg/kg, uống cách từ 4 - 6 giờ.
- Tuyệt đối không cho trẻ uống các loại thuốc như Analgin, Aspirin, Ibuprofen.
- Cho trẻ nằm ở phòng thoáng mát, nơi rộng quần áo.
2. Bù nước cho trẻ
- Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, uống nước hoa quả, Oresol, uống rải đều trong ngày.
- Chú ý: Không uống quá nhiều nước cùng một lúc vì sẽ gây chướng bụng, đầy bụng, đau bụng.
3. Về dinh dưỡng
- Cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu.
- Không cho trẻ ăn đồ cứng, nhiều chất xơ.
- Không cho trẻ ăn thức ăn màu nâu đen, dễ gây nhầm lẫn về chẩn đoán bệnh của trẻ.
Một số biện pháp phòng tránh sốt xuất huyết tại nhà
Theo BS Nga, giai đoạn này miền Bắc là mùa mưa nhiều, gia đình cần chú ý:
- Vệ sinh sạch sẽ quanh khu vực ở.
- Làm sạch dụng cụ chứa nước hoặc đậy nắp, đổ bỏ để tránh muỗi có địa điểm đẻ trứng.
- Nên để trẻ ngủ trong màn. Với trẻ sinh hoạt ngoài trời, nên sử dụng chế phẩm xịt muỗi, tránh trẻ bị muỗi đốt.