Mới đây, một bé gái 2 tuổi đã phải mổ gấp vì bị vỡ ruột do vi khuẩn truyền nhiễm dẫn đến nhiễm trùng huyết nặng, nguyên nhân đến từ việc không rửa tay trước khi ăn.
- Điều trị thành công ca bệnh nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người”
- 2 loại vi khuẩn trong miệng có thể là "động lực" của ung thư đại trực tràng và ung thư tuyến tụy, người bị bệnh nha chu càng cần chú ý
Theo ETtoday, cách đây vài ngày, một cô bé 2 tuổi ở thành phố Miêu Lật (Trung Quốc) đã được đưa vào bệnh viện trong tình trạng có triệu chứng tiêu chảy và các cơn đau bụng kéo dài.
Sau khi nhập viện, cô bé được đưa đi chụp cắt lớp vi tính. Kết quả cho thấy có khí tự do bất thường trong ổ bụng. Do đó, bác sĩ nghi ngờ bệnh nhi bị vỡ ruột nên đã bố trí mổ cấp cứu. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ sử dụng phương pháp mổ hở xâm lấn tối thiểu và tìm ra đoạn ruột già bên phải bị vỡ, sau đó tiến hành khâu lại thành công. Cô bé đã hồi phục tốt sau ca mổ.
Bác sĩ Feng Qian - Chuyên khoa Phẫu thuật nhi tại Bệnh viện Daqian là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi kể trên, cho biết: "Khi hỏi bệnh sử, bà của bé gái phát hiện cô bé đã ăn mà không rửa tay sau khi chạm vào trứng. Kết quả kiểm tra loại vi khuẩn gây ra nhiễm trùng huyết cho cô bé là Salmonella".
Theo Wikipedia, "Salmonella" thuộc họ "Enterobacteriaceae", là loại vi khuẩn hình que, sinh sống trong đường ruột, gây ra rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, sốt và tiêu chảy kéo dài, thậm chí tử vong do viêm não hoặc vỡ ruột. Vi khuẩn truyền nhiễm từ động vật sang người, hoặc truyền nhiễm qua thực phẩm, đặc biệt là qua trứng và thịt gia cầm.
Người lớn hoặc trẻ em nếu bị nhiễm loại vi khuẩn này dễ dẫn đến các hiện tượng như vỡ ruột gây viêm phúc mạc, dẫn đến sốc nhiễm trùng, thậm chí là tử vong. Ở trường hợp của cô bé 2 tuổi kể trên, nếu người nhà không đưa vào viện sớm hơn thì rất dễ có nguy cơ tử vong.
Để phòng tránh vi khuẩn Salmonella xâm nhập vào cơ thể, bác sĩ Feng Qian khuyến cáo mọi người cần:
- Thực phẩm nên được nấu chín kĩ ở nhiệt độ trên 75 độ C trong ít nhất 10 phút.
- Trứng tươi cần bảo quản trong tủ lạnh.
- Quan trọng nhất, hãy rèn luyện thói quen ăn chín uống sôi, luôn luôn rửa tay trước và sau khi ăn, sau khi tiếp xúc với động vật, các thực phẩm từ động vật.
- Người lớn cần phải chú ý rèn cho trẻ thói quen vệ sinh tốt ngay từ bé.