Bé 7 tháng tuổi bị tay chân miệng độ 4, phải lọc máu liên tục 52 giờ

Tin y tế 23/04/2021 18:58

Một bé trai 7 tháng tuổi mắc tay chân miệng đột ngột chuyển nặng lên độ 4 với biến chứng sốc, suy hô hấp và ngưng thở. Sau 52 giờ lọc máu, bé đã qua tình trạng nguy kịch.

Theo Pháp luật và Bạn đọc, ngày 23/4, bệnh viện đa khoa tỉnh Bạc Liêu cho biết vừa cứu sống thành công một trường hợp bệnh nhi bị tay chân miệng rất nặng.

Theo mẹ bệnh nhi, trước đó, bé vẫn đang trong tình trạng sức khỏe bình thường thì bất ngờ nóng sốt, chảy nước miếng nhiều, bú không được. Qua ngày hôm sau, bé đã tiến triển nặng. "Nghe bác sĩ nói con có thể mất mạng tôi sợ lắm. Thật may là bé đã qua khỏi" - người mẹ của đứa trẻ chia sẻ.

Cụ thể, theo bác sĩ Đỗ Thị Yến, Trưởng khoa Nhi bệnh viện, bé T.C.K. (7 tháng tuổi) được chuyển từ cơ sở y tế tuyến huyện đến với bệnh cảnh sốt cao 2 ngày, giật mình chới với, hốt hoảng nhiều. Khi vào viện, cháu được các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán bị tay chân miệng độ 2b. Sau đó, chỉ trong chưa đầy 24 giờ, bệnh chuyển đột ngột biến nặng lên độ 4 (độ nặng nhất). Bệnh nhi vào sốc, suy hô hấp và diễn tiến ngưng thở. Ngay lúc này, ekip điều trị đã đặt nội khí quản và chống sốc, truyền dịch, dùng thuốc vận mạch nhưng bé vẫn không đáp ứng nhiều. Trước tình huống nguy cấp, đội ngũ y bác sĩ đã tiến hành đưa bệnh nhi vào lọc máu. Sau 52 tiếng lọc máu liên tục, sinh hiệu bé dần trở về bình thường, men gan giảm.

tay chan mieng
Bé trai phải lọc máu liên tục 52 giờ - Ảnh: Pháp luật và Bạn đọc

Hiện tại sau ngày thứ 13 điều trị, bé trai đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe bé đã cải thiện rất nhiều và dự kiến sẽ xuất viện sau 1 tuần nữa sau khi xử lý hoàn toàn tình trạng viêm phổi. 

Các bác sĩ cảnh báo, phụ huynh nên chú ý các dấu hiệu bất thường của con, đặc biệt trong mùa cao điểm tay chân miệng như hiện nay, bởi giai đoạn đầu là giai đoạn ủ bệnh, bệnh nhi chỉ sốt nhẹ và có một vài triệu chứng thông thường như ho, tiêu chảy nên nhiều cha mẹ ít quan tâm. Để phòng chống bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần giữ vệ sinh cho con, vệ sinh sàn nhà, tay nắm cửa. Tránh cho bé đến chỗ đông người. Ngoài ra, khi xuất hiện bóng nước, sốt phát ban, phụ huynh phải báo ngay cho cơ sở y tế địa phương để được can thiệp xử trí kịp thời.

Từ ca bệnh 6 tháng tuổi nghiêm trọng, bác sĩ cảnh báo TAY CHÂN MIỆNG từ MỘT NỐT HỒNG BAN NHỎ, cha mẹ đặc biệt lưu ý

Vừa qua, Bệnh viện Nhi Đồng TP. HCM vừa tiếp nhận một ca tay chân miệng nặng. Theo đó, bệnh nhi có nổi nốt hồng ban nhỏ, kèm theo những dấu hiệu bứt rứt lơ mơ, giật mình khi ngủ, yếu hai chân, khó thở…

TIN MỚI NHẤT