Từ đầu năm đến nay, tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận 16 ca tử vong do SXH, gồm 13 người lớn và 3 trẻ em.
- Bé trai nguy kịch do đồng nhiễm sốt xuất huyết và biến chứng hậu COVID-19, ‘bão cytokine’ ảnh hưởng nặng nề
- TP.HCM phát hiện thêm 111 ổ dịch sốt xuất huyết mới, cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch
Theo thông tin từ báo Pháp luật TP.HCM, chiều 10/8, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cho biết, vừa ghi nhận thêm 1 ca tử vong do sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh. Đó là một em bé 6 tháng tuổi (ngụ TP. Biên Hòa).
Như vậy từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã ghi nhận 16 ca tử vong do SXH, gồm 13 người lớn và 3 trẻ em. Số ca tử vong do SXH của tỉnh Đồng Nai đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau TP.HCM.
Số ca bệnh SXH toàn tỉnh từ đầu năm đến nay lên hơn 17.700 ca, tăng gần 13 ngàn ca so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo thông tin từ VTV, trước đó, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận ca tử vong thứ 15 vào ngày 7/8, bệnh nhân nữ 25 tuổi, trú tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom. Ngày 6/8, bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất trong tình trạng đã ngưng tim, sốt xuất huyết nặng ngày thứ 4, choáng nhiễm trùng, nhồi máu cơ tim cấp.
Sau khi được các bác sĩ hồi sức cấp cứu, bệnh nhân đã có mạch, tim phổi trở lại nhưng huyết áp không đo được. Tuy nhiên, mặc dù được các bác sĩ tích cực cấp cứu nhưng do tình trạng bệnh quá nặng nên bệnh nhân tử vong vào chiều tối cùng ngày.
Theo người nhà bệnh nhân, bệnh nhân bị sốt ở nhà từ ngày 2/8, sau đó tự mua thuốc uống đến ngày 5/8 thì giảm sốt, cảm giác khỏe hơn nhưng lại xuất hiện đau lưng. Đến sáng ngày 6/8, người nhà thấy bệnh nhân có biểu hiện mệt nhiều, khó thở, tím tái nên đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, diễn biến dịch sốt xuất huyết năm nay rất đáng báo động, số ca mắc tăng cao, bệnh nặng tăng nhanh, trong số 16 người tử vong thì có 13 người lớn và 3 trẻ em. Số ca bệnh chuyển nặng tăng một phần do người dân chủ quan, khi bị sốt không đến ngay cơ sở y tế để được bác sĩ khám, tư vấn điều trị mà tự ý mua thuốc uống hoặc lạm dụng truyền dịch không đúng với phác đồ điều trị của Bộ Y tế.