Vụ sản xuất sữa bột giả quy mô lớn, 8 đối tượng bị khởi tố: Luật sư nhận định những người cầm đầu có thể đối mặt án chung thân

Đời sống 14/04/2025 15:37

Trong vụ việc sản xuất sữa giả đang được điều tra, do mức độ tiêu thụ lớn và nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai, các đối tượng liên quan cần được xử lý nghiêm khắc.

Theo thông tin từ báo Sức khỏe và Đời sống, liên quan đến vụ án sản xuất sữa giả với số lượng cực lớn vừa bị Cơ quan điều tra, Bộ Công an phát hiện, bắt giữ, luật sư Nguyễn Thị Phương Loan, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, với hành vi nghiêm trọng, có thể những người cầm đầu trong vụ án sẽ phải chịu mức án tù chung thân.

Cụ thể, luật sư Nguyễn Thị Phương Loan cho hay, theo quy định tại Nghị định số 98 ban hành năm 2020, "sản xuất" được hiểu là việc thực hiện một hoặc nhiều công đoạn để tạo ra hàng hóa, bao gồm các hoạt động như chế tạo, in ấn, gia công, sơ chế, chế biến, đóng gói và các hoạt động khác có tính chất tương tự.

Luật An toàn thực phẩm năm 2010 định nghĩa thực phẩm là sản phẩm con người sử dụng để ăn hoặc uống, ở dạng tươi sống hoặc đã qua chế biến. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất dùng như dược phẩm.

Cũng theo Nghị định số 98, hàng giả là những hàng hóa không đúng với bản chất, tên gọi, giá trị sử dụng hoặc có công dụng thấp hơn so với công bố. Cụ thể, đó là những sản phẩm không có hoặc có công dụng không đúng so với công bố, hoặc có ít nhất một chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản chỉ đạt dưới 70% so với mức tối thiểu theo tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã được đăng ký, công bố hoặc ghi trên bao bì sản phẩm.

Về trách nhiệm hình sự đối với hành vi sản xuất hàng giả là thực phẩm, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tại Điều 193: Người nào sản xuất hoặc buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm thì có thể bị phạt tù từ 2 đến 5 năm.

Nếu hành vi phạm tội có tính chất nghiêm trọng, như hàng giả tương đương với hàng thật có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, thu lợi bất chính từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng, hoặc gây thiệt hại về tài sản trong khoảng tương tự, hình phạt có thể từ 10 năm đến 15 năm tù.

Trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, nếu người phạm tội thu lợi bất chính từ 1,5 tỷ đồng trở lên, hoặc gây thiệt hại về tài sản từ mức đó trở lên, có thể bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài hình phạt tù, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm, hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đối với pháp nhân thương mại, nếu vi phạm các quy định trên có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 18 tỷ đồng, bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc bị cấm kinh doanh trong một số lĩnh vực nhất định.

Như vậy, cá nhân có hành vi sản xuất hoặc buôn bán thực phẩm giả, tùy vào mức độ và hậu quả gây ra, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức án cao nhất là tù chung thân. Còn pháp nhân vi phạm có thể bị xử phạt bằng tiền lên tới 18 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động.

Vụ sản xuất sữa bột giả quy mô lớn, 8 đối tượng bị khởi tố: Luật sư nhận định những người cầm đầu có thể đối mặt án chung thân - Ảnh 1
Một nhãn hiệu sữa bột giả do các đối tượng sản xuất - Ảnh: Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh

Theo thông tin từ báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh, ngày 12/4, liên quan đến vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả xảy ra tại Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group, các cơ quan, tổ chức liên quan trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành trên toàn quốc, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam thời hạn 4 tháng đối 8 người.

Các bị can gồm: Hoàng Mạnh Hà, 46 tuổi, cổ đông góp vốn, Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Rance Pharma từ tháng 8/2021 đến tháng 8/2024; cổ đông góp vốn Công ty Hacofood.

Vũ Mạnh Cường, 46 tuổi, cổ đông góp vốn, Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Hacofood từ tháng 4/2022 đến tháng 10/2024; cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma.

Đặng Trung Kiên, 37 tuổi, cổ đông góp vốn, Phó Giám đốc Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood.

Những người trên cùng bị khởi tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 3 Điều 193, Khoản 3 Điều 221 BLHS.

Các bị can bị khởi tố cùng về tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Nguyễn Thành Luân, sinh năm 38 tuổi, cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood, Giám đốc người đại diện theo pháp luật của Công ty Rance Pharma từ tháng 8/2024.

Nguyễn Văn Tú, 44 tuổi, cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood, Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Hacofood từ tháng 10/2024; Nguyễn Thu Thủy, sinh năm 1970, Kế toán trưởng Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood.

Hồ Sỹ Ý, 37 tuổi, cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood, điều hành nhà máy sản xuất, bị khởi tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm quy định tại khoản 3 Điều 193 BLHS.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng khởi tố bị can Nguyễn Thị Mai Hương, nhân viên kế toán quản lý công nợ kiêm thủ quỹ Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood, về tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại khoản 3 Điều 221 BLHS, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Sau khi được VKSND tối cao phê chuẩn, ngày 11/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thi hành các quyết định, lệnh tố tụng theo quy định pháp luật.

Phát hiện chuyên gia y tế quảng cáo công ty sản xuất gần 600 loại sữa giả, người trong cuộc lên tiếng gì?

Từ sáng 12/4, website, fanpage của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group (địa chỉ tại Hà Đông, Hà Nội) và các nhãn hàng liên quan (như Kawai, Talacmum, Sure IQ Gludiabet) không còn truy cập được. Đây là các công ty liên quan tới vụ sản xuất gần 600 loại sữa giả dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.

TIN MỚI NHẤT