Bác sĩ Trương Hữu Khanh hướng dẫn F0 điều trị tại nhà đào thải virus nhanh hơn, gợi ý 5 loại nước uống tốt cho bệnh nhân COVID-19

Tin y tế 12/03/2022 20:17

COVID-19 đã xuất hiện tại Việt Nam một thời gian tương đối dài, song với những F0 đang được chăm sóc, điều trị tại nhà, nhiều người vẫn đang rất bối rối uống thuốc gì, chăm sóc ra sao, có phải kiêng cữ gì không... đặc biệt là làm thế nào thể quá trình đào thải virus diễn ra nhanh hơn.

Mặc dù dịch COVID-19 đã xuất hiện tại Việt Nam một thời gian tương đối dài, song với những F0 đang được chăm sóc, điều trị tại nhà, nhiều người vẫn đang rất bối rối uống thuốc gì, chăm sóc ra sao, có phải kiêng cữ gì không... đặc biệt là làm thế nào thể quá trình đào thải virus diễn ra nhanh hơn.

Liên quan đến vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên trưởng khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1 TP.HCM nhiều lần tư vấn trên sóng livestream. Cụ thể, việc đào thải virus nhanh hay chậm hoàn toàn phụ thuộc vào sức đề kháng của mỗi người. Sức đề kháng tốt thì cơ thể sẽ đào thải virus nhanh hơn. Người nào có sẵn miễn dịch như đã từng mắc bệnh, đã tiêm phòng vaccine thì khả năng đào thải virus sẽ nhanh hơn.

Nếu hệ miễn dịch yếu, cơ thể không sản xuất đủ kháng thể bảo vệ, virus dần dần chiếm ưu thế và gây ra tình trạng viêm nhiễm, mất kiểm soát. Từ đó, virus gây tổn thương phổi nặng, đồng thời kích thích hệ thống miễn dịch đáp ứng quá mức và lan rộng tạo thành cơn bão cytokine. Bão cytokine có thể gây ra nhiều hậu quả nguy hiểm như rối loạn huyết động, thay đổi tính thấm thành mạch, suy đa tạng và hình thành cục máu đông. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh hướng dẫn F0 điều trị tại nhà đào thải virus nhanh hơn, gợi ý 5 loại nước uống tốt cho bệnh nhân COVID-19 - Ảnh 1
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Ảnh: Internet

Trao đổi thêm với Doanh nghiệp và Tiếp thị, bác sĩ khẳng định, để có sức đề kháng chúng ta phải ăn đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, ngủ đủ giấc. Ngoài ra, việc chúng ta tập thở cũng có tác dụng đào thải virus nhanh hơn. 

Một số người có thuốc kháng virus có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để uống thêm nhằm đào thải virus nhanh hơn.

Trong trường hợp không có thuốc kháng virus thì người bệnh cũng không nên quá hoang mang và duy trì ăn đủ chất, ngủ đủ giấc để tăng đề kháng tự nhiên. Lúc ấy, virus sẽ tự bị đào thải. 

Ăn đủ chất có nghĩa là ăn đủ số lượng, ăn đa dạng các loại thực phẩm, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng theo từng nhóm tuổi. Các chất dinh dưỡng bao gồm chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất, chất xơ và nước. Đồng thời, mọi người cần đảm bảo ăn đủ 3 bữa chính mỗi ngày, có thể thêm 1 đến 3 bữa phụ.

Thêm vào đó, mọi người nên đảm bảo nguyên tắc chế biến thực phẩm hợp khẩu vị, sở thích và khả năng nhai nuốt thức ăn của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có tình trạng chán ăn, đau họng, giảm vị giác/khứu giác, người nhà có thể chế biến thức ăn ở dạng mềm, lỏng để người bệnh dễ ăn và cơ thể dễ hấp thu dinh dưỡng hơn.

Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong khi mua, chế biến và sử dụng, bảo quản thực phẩm cũng là điều vô cùng cần thiết.

Đặc biệt, những trẻ em, người trưởng thành có các bệnh lý nền như đái tháo đường, tim mạch, suy thận cấp, suy thận mạn cần thực hiện đúng chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ hoặc cán bộ dinh dưỡng.

Theo nguồn tin từ Sức khỏe và Đời sống, uống đủ nước theo nhu cầu và đúng cách sẽ giúp F0 điều trị tại nhà cân bằng điện giải, đào thải nhanh virus.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh hướng dẫn F0 điều trị tại nhà đào thải virus nhanh hơn, gợi ý 5 loại nước uống tốt cho bệnh nhân COVID-19 - Ảnh 2
Ảnh minh họa: Internet

1. Nước dừa bổ sung điện giải cho F0 điều trị tại nhà

Nước dừa tự nhiên là một loại nước uống có tác dụng giải khát và bổ dưỡng. Nước dừa chứa đường, chất béo, acid amin, acid hữu cơ và các enzyme, vitamin tốt cho sức khỏe.

Nước dừa chứa 94% là nước và rất ít chất béo. Một cốc nước dừa 240ml chứa 60 calo, cũng như:

Carb: 15g

Đường: 8g

Canxi: 4% giá trị hàng ngày (DV)

Magiê: 4% DV

Phốt pho: 2% DV

Kali: 15% DV

Các khoáng chất trong nước dừa như kali, natri, canxi, magiê, selen, đồng, kẽm... rất phong phú và hỗn hợp các chất trong nước dừa tương tự như dịch trong tế bào. Hàm lượng kali dồi dào trong nước dừa giúp cân bằng điện giải làm tối ưu hoạt động của hệ tuần hoàn, hệ thần kinh và hệ miễn dịch cũng như hỗ trợ việc hấp thụ và điều tiết chất lỏng, giúp bổ sung và bù nước cho cơ thể.

Vì vậy, nước dừa thường được dùng uống bù nước hiệu quả nhằm bổ sung chất điện giải cho cơ thể trong trường hợp bài tiết qua mồ hôi, mất nước do sốt, tiêu chảy…

Tuy nước dừa là loại đồ uống bổ dưỡng, cung cấp khoáng chất, các chất điện giải và tăng cường miễn dịch nhưng cũng không nên uống quá nhiều.

Lượng nước dừa cần thiết để uống mỗi ngày phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe, mức độ hoạt động và các yếu tố đi kèm khác của cơ thể. Với người bình thường có thể uống 1-2 cốc mỗi ngày. 

Các trường hợp có bệnh lý như huyết áp thấp, suy thận hoặc có rối loạn điện giải nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Không dùng nước dừa cho các trường hợp sau:

Người bị F0 điều trị tại nhà biểu hiện lạnh nhiều, ho thở, mệt mỏi, đờm nhiều, đờm loãng, sợ gió, bụng đầy chậm tiêu…

Người bị COVID-19 biểu hiện đang sốt cao tự nhiên mồ hôi ra đầm đìa, tay chân giá lạnh, hạ huyết áp…

Người béo phì bị COVID-19 tiêu hóa kém, hay đầy bụng, sau khi ăn hay mệt mỏi…

Người có đường huyết cao, người hư nhược, già yếu…

2. Nước chanh, thức uống dễ chế biến

Trong chanh chứa nhiều vitamin C và các chất chống ôxy hóa khác giúp cơ thể tăng cường miễn dịch, trị chứng sốt, chứng viêm cho bệnh nhân là F0 điều trị tại nhà hay háo, khát, nhu cầu nước cao.

Chanh có chứa rutin C vừa có tác dụng bền thành mạch máu, vừa làm giảm nguy cơ tai biến cho bệnh nhân mắc bệnh nền. Nước chanh có chứa đường cung cấp năng lượng cho cơ thể, làm giảm sự mệt mỏi, lợi tiểu, giúp tăng sự đào thải độc tố cho cơ thể.

Chanh có tác dụng tiêu đờm, nhầy, giảm ho là triệu chứng mà các F0 thường mắc phải. Chanh làm cho đờm loãng ra, dễ khạc, làm giảm mạnh các triệu chứng khó thở của bệnh nhân.

Với các bệnh nhân F0 thì việc bù nước và điện giải là cần thiết và quan trọng. Việc uống nước chanh đường dễ sử dụng, lợi ích kép nên chúng ta cân nhắc sử dụng. Tuy nhiên, bệnh nhân F0 có bệnh lý nền đái tháo đường nên hạn chế lượng đường cho thêm vào nước chanh. Ngoài ra, có thể pha nước chanh muối hoặc nước chanh, gừng, mật ong cũng rất tốt cho sức khỏe.

Có thể uống 1 ly nước chanh sau bữa ăn (sáng, trưa, tối) khoảng 1,5-2 tiếng. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc tiêu hóa thức ăn. Hoặc cũng có thể uống nước chanh pha mật ong vào buổi tối. Nhưng chỉ nên uống 1 ly vào trước 8-9h tối, không nên uống quá muộn sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ.

3. Mật ong pha gừng 

Mật ong rất tốt cho sức khỏe, nó càng tốt hơn nếu kết hợp với một loại gia vị là gừng. Bởi cả hai đều có đặc tính kháng khuẩn giúp tránh nhiễm trùng và các tế bào gây hại cho cơ thể. Khi mật ong kết hợp cùng gừng sẽ tạo nên một thức uống chống dị ứng và chữa lành vết thương trên cơ thể, tốt cho người bệnh F0 điều trị tại nhà.

Theo nhiều nghiên cứu, hợp chất gingerol và shogaol trong gừng đóng vai trò là chất chống ôxy hóa mạnh, có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm. Bên cạnh đó, thành phần dưỡng chất và hàm lượng vitamin dồi dào trong mật ong cũng giúp tăng sức đề kháng, tăng hệ miễn dịch, hỗ trợ quá trình trao đổi chất và thúc đẩy sự vận động của tế bào.

Với tính ấm và khả năng sát khuẩn cao, gừng ngâm mật ong sẽ giúp cơ thể chống lại các virus gây bệnh, giúp làm ấm cơ thể, cải thiện hệ miễn dịch và cung cấp các dưỡng chất cũng như vitamin cho cơ thể.

Nếu không có sẵn gừng, có thể uống mật ong pha với nước ấm. Tiêu thụ nước mật ong trước khi đi ngủ có thể cải thiện giấc ngủ cho người bệnh F0 điều trị tại nhà, và nó cũng có đặc tính kháng khuẩn giúp cải thiện phản ứng miễn dịch.

4. Dung dịch oresol

Với những trường hợp F0 điều trị tại nhà, nếu có sốt nên bù nước và điện giải cho người bệnh bằng đường uống. Bên cạnh nước lọc, nước trái cây, có thể sử dụng dung dịch oresol pha với đúng liều lượng cho người bệnh uống thay cho nước lọc.

Khi pha, cần làm theo đúng hướng dẫn. Kiểm tra gói để biết hướng dẫn sử dụng và thêm lượng nước sạch một cách chính xác. Pha không đúng tỷ lệ nước như trong hướng dẫn có thể làm cho bệnh tiêu chảy nặng hơn.

Chỉ hòa oresol với nước sạch để uống. Không thêm oresol vào sữa, súp, nước trái cây hoặc các loại nước ngọt. Không tự ý thêm đường hay bất kỳ thành phần nào khác.

Lượng nước điện giải cần bổ sung thay đổi khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và tình trạng bệnh.

5. Sữa và các sản phẩm từ sữa

Theo tài liệu Hướng dẫn chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà do Bộ Y tế ban hành, người bệnh nhiễm COVID-19 đều tăng nhu cầu dinh dưỡng do tăng tiêu hao năng lượng, nếu không bổ sung dinh dưỡng đầy đủ đúng cách người bệnh sẽ suy dinh dưỡng nặng.

Theo đó, F0 điều trị tại nhà nên tăng cường sử dụng sữa mỗi ngày. Bổ sung thêm 1-2 bữa phụ như sữa và các chế phẩm từ sữa, đặc biệt khi có ăn giảm sút do sốt, ho, mệt mỏi... bởi sữa có đủ các thành phần dinh dưỡng ở tỷ lệ cân đối, dễ tiêu hóa và hấp thu phù hợp với người bệnh. Đặc biệt với sữa năng lượng cao, làm cơ thể người bệnh mau chóng phục hồi. Thay vì uống sữa, bạn cũng có thể ăn sữa chua hàng ngày để cung cấp các lợi khuẩn có tác dụng tốt cho hệ tiêu hóa và tăng cường miễn dịch.

Ngày 11/3, Việt Nam ghi nhận 169.114 ca nhiễm COVID-19 mới, tăng 8.429 ca so với ngày trước đó

Tính từ 16h ngày 10/3 đến 16h ngày 11/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 169.114 ca nhiễm mới, trong đó 24 ca nhập cảnh và 169.090 ca ghi nhận trong nước (tăng 8.429 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 112.937 ca trong cộng đồng).

TIN MỚI NHẤT