Bác sĩ nói về đột quỵ do stress và cảnh báo đáng lo: "Cứ 4 người trên 25 tuổi thì tương lai 1 người có khả năng mắc bệnh"

Tin y tế 05/03/2023 16:38

"Lúc trước khi nói đến đột quỵ thì người ta nghĩ đến bệnh lý của người già khi tăng huyết áp, tim mạch… nhưng thời gian gần đây thì người trẻ mắc đột quỵ gia tăng, có thể do một số nguyên nhân về lối sống buông thả, không lành mạnh, bị stress trong cuộc sống", TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức nói.

 

Bệnh nhân 33 tuổi liệt nửa người sau đột quỵ

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não thường xảy ra đột ngột khi nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm. Khi đó, não bị thiếu oxy, dinh dưỡng và các tế bào não bắt đầu chết trong vòng vài phút gây liệt hoàn toàn hoặc một phần cơ thể. Đây là một căn bệnh nguy hiểm, cần được cấp cứu kịp thời, nếu không sẽ dẫn đến tàn tật, rơi vào hôn mê sâu, thậm chí là tử vong.

Nếu như trước kia, đột quỵ thường được biết đến là căn bệnh của người lớn tuổi hoặc những người trẻ có bệnh lý như tim mạch, bệnh lý máu khó đông… thì theo các bác sĩ, một trong những nguyên nhân khiến người trẻ mắc đột quỵ chính là thói quen sinh hoạt không điều độ, lạm dụng chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá, ăn uống thức ăn nhanh, gặp stress, áp lực trong cuộc sống… cũng tiềm ẩn nguy cơ gây đột quỵ.

Đột quỵ ngày càng có xu hướng trẻ hóa, bác sĩ đưa ra lời cảnh báo cho bệnh nhân?

Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, BV Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể nhưng trong thời gian gần đây, bệnh nhân đến khám về đột quỵ cũng như tầm soát đột quỵ tại bệnh viện ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa.

"Theo thống kê năm 2020, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ ghi nhận tình trạng đột quỵ gia tăng ở dưới 40 tuổi, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ chiếm từ 10-15%. Tại Việt Nam, chúng ta cũng nhận thấy có sự gia tăng của bệnh nhân trẻ tuổi mắc đột quỵ từ những báo cáo đơn lẻ của các bệnh viện.

Lúc trước khi nói đến đột quỵ thì người ta nghĩ đến bệnh lý của người già khi tăng huyết áp, tim mạch…, nhưng thời gian gần đây thì người trẻ mắc đột quỵ gia tăng, có thể do một số nguyên nhân về lối sống buông thả, không lành mạnh, một số người tăng huyết áp, đái tháo đường xuất hiện sớm hơn, béo phì nhiều hơn, có người lạm dụng chất kích thích, bia rượu, chất điều trị nội tiết, gặp stress, áp lực cuộc sống… làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng như tai biến mạch máu não", TS.BS Minh Đức giải thích.

Bác sĩ nói về đột quỵ do stress và cảnh báo đáng lo: 'Cứ 4 người trên 25 tuổi thì tương lai 1 người có khả năng mắc bệnh' - Ảnh 1

TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, BV Đa khoa Tâm Anh TP.HCM

Theo TS.BS Minh Đức, lối sống hiện nay của một số người trẻ được cho là không lành mạnh khi quá lạm dụng thức ăn nhanh, ít vận động, tình trạng béo phì, thừa cân ngày một gia tăng. Đặc biệt, người trẻ luôn phải đối mặt với áp lực cuộc sống, dễ rơi vào tình trạng trầm cảm, stress kéo dài… dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp đột ngột, việc sử dụng chất kích thích, rượu bia cũng tiềm ẩn gây tắc nghẽn mạch máu não.

"Vừa qua BV tiếp nhận một bệnh nhân 33 tuổi, nặng 108kg liệt nửa người bên phải sau đột quỵ. Rất may là bệnh nhân đến cấp cứu trong thời gian vàng (3h đầu) nên sau khi điều trị đã hồi phục hoàn toàn, đi đứng bình thường, đặc biệt còn giảm được cân nặng xuống còn 90kg. Đó cũng là niềm vui của bệnh nhân cũng như y bác sĩ", TS.BS Minh Đức chia sẻ.

Bác sĩ nói về đột quỵ do stress và cảnh báo đáng lo: 'Cứ 4 người trên 25 tuổi thì tương lai 1 người có khả năng mắc bệnh' - Ảnh 2

Số bệnh nhân trẻ đến điều trị và tầm soát về đột quỵ tại BV ngày một gia tăng

Cứ 4 người trên 25 tuổi thì tương lai 1 người có khả năng mắc đột quỵ

Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đột quỵ, thông thường tỷ lệ cao nhất là do tắc nghẽn mạch máu não, còn lại là xuất huyết não do tăng huyết áp, một số trường hợp thì có khối u trong não, chấn thương sọ não.

"Đột quỵ không phải lúc nào cũng có dấu hiệu báo trước, nếu chúng ta là người trưởng thành trên 25 tuổi thì trong tương lai có nguy cơ đột quỵ khoảng 25%. Nghĩa là trong 4 người có 1 người trong tương lai có khả năng đột quỵ. Vậy nên khi bạn trên 25 tuổi thì nên đi tầm soát đột quỵ để phòng ngừa, hạn chế nguy cơ hoặc có thể phát hiện sớm để điều trị kịp thời", TS.BS Minh Đức nói.

Mặc dù đột quỵ rất nguy hiểm nhưng vẫn có thể phòng ngừa, nhất là việc thay đổi lối sống, ăn uống tích cực, điều trị tốt các bệnh lý nền và đi tầm soát bệnh đột quỵ sớm.

Bác sĩ nói về đột quỵ do stress và cảnh báo đáng lo: 'Cứ 4 người trên 25 tuổi thì tương lai 1 người có khả năng mắc bệnh' - Ảnh 3

Việc thường xuyên kiểm tra sức khỏe, đi tầm soát đột quỵ sẽ giúp hạn chế khả năng bị đột quỵ, nhất là ở người trẻ tuổi

Nếu phát hiện bản thân hoặc người thân trong gia đình có các dấu hiệu của bệnh đột quỵ như biểu hiện ở cơ mặt xệ xuống, yếu liệt tay chân, mất khả năng ngôn ngữ… thì phải nhanh chóng gọi cấp cứu, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời chữa trị.

"Phải để bệnh nhân nằm xuống, tháo lỏng quần áo, nếu khó thở thì đặt bệnh nhân nằm nghiêng và không để bệnh nhân cắn lưỡi. Quá trình di chuyển đến cơ sở y tế tốt nhất là xe chuyên dụng hoặc đi xe 4 chỗ để bệnh nhân được nằm xuống. Đặc biệt không được làm các động tác thừa như bấm huyệt, châm cứu, vắt chanh vào miệng vì dễ gây sặc trong quá trình cấp cứu người đột quỵ.

Thời gian vàng để cứu chữa bệnh nhân là 3 giờ đầu, cửa sổ có thể mở rộng lên đến 4 giờ 30 phút, thậm chí một số trường hợp có thể mở rộng đến 24 giờ. Tuy nhiên, càng đưa bệnh nhân cấp cứu càng sớm càng tốt", TS.BS Minh Đức chia sẻ.

Bác sĩ nói về đột quỵ do stress và cảnh báo đáng lo: 'Cứ 4 người trên 25 tuổi thì tương lai 1 người có khả năng mắc bệnh' - Ảnh 4

Người đột quỵ thường gặp nhiều biến chứng về mặt sức khỏe, khó có thể quay trở lại cuộc sống trước đây

Theo Trưởng khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, BV Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết khả năng phục hồi của bệnh nhân đột quỵ nhiều nhất là trong tuần lễ đầu tiên, sau đó là 1 tháng đầu khi phát bệnh. Nếu sau 2 năm thì rất khó để có thể cải thiện các chức năng, ngoài việc phục hồi thì bệnh nhân đã từng đột quỵ cần phải phòng ngừa tránh bệnh tái phát.

"Biến chứng nguy hiểm nhất của đột quỵ chính là gây tử vong. Tuy nhiên theo tôi nghĩ đáng sợ hơn vẫn là đời sống thực vật sau khi đột quỵ khi phải lệ thuộc hoàn toàn vào người khác. Ngoài ra, người bị đột quỵ thường gặp phải biến chứng về ngôn ngữ, không tự chủ được trong ăn uống, đi lại, dù nhiều người có thể phục hồi sinh hoạt nhưng không thể quay lại cuộc sống nghề nghiệp như trước kia, thường xuyên âu lo, trầm cảm, rối loạn về mặt tâm thần… Chung quy lại, đột quỵ là một bệnh tật để lại nhiều di chứng không chỉ cho bản thân người bệnh mà còn là gánh nặng cho gia đình người bệnh đó", TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức bày tỏ.

Đồng Nai: Phát hiện khối u cuộn ẩn dưới móng tay bệnh nhân suốt 6 năm chịu đau

Bệnh nhân có các biểu hiện như: ấn nhẹ vào móng tay gây đau nhói, khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt.

TIN MỚI NHẤT