Một bé gái bị ho, sốt và quấy khóc liên tục. Khi đến bệnh viện, bé được phát hiện có một khối amidan to. Lượng mũ lấy ra từ vết thương khiến nhiều người bất ngờ.
Mới đây, trên trang page của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vừa đăng tải một bài viết về một bệnh nhi viêm amidan đã có những chuyển biến nặng. Cụ thể, theo như nội dung bài viết, bé gái 14 tháng tuổi, sốt 7 ngày liên tục, sốt không cao, bé thường quấy khóc, ăn uống ít, cách 3 ngày đi khám bé quấy khóc nhiều hơn, miệng hôi, ngủ ngáy nhiều, nuốt khó và kèm sốt cao. Đến ngày 26/6, người nhà mới dẫn bé đến bệnh viện khám.
Tại đây, các bác sĩ phát hiện một khối amidan (Trái) to, đẩy lệch lưỡi gà sang bên phải. Nhận thấy đây khả năng là ổ áp xe quanh amidan, bác sĩ đã tiêm, truyền kháng sinh và chụp CTscan để cản quang đánh giá về việc ổ áp xe có lan ra thành sau họng hay lan xuống trung thất (lồng ngực).
Kết quả cho thấy ổ mủ ở quanh amidan trái thông với ổ áp xe thành sau họng. Vì vậy, bé gái được tiến hành mổ cấp cứu. Được biết, trong quá trình phẫu thuật, 10ml mủ (bằng 1 chai nước muối sinh lý nhỏ mắt) đã được lấy ra. Bệnh nhi phải tiếp tục điều trị kháng sinh 7-10 ngày, nuôi ăn qua sonde dạ dày và theo dõi diễn tiến của bé.
Theo như bác sĩ nhận định, với trường hợp của bé, nếu người nhà đến khám trễ hơn thì hậu quả có thể nặng nề, ổ áp xe có thể vỡ rộng, mủ tràn ồ ạt vào đường thở gây ngạt dẫn đến tử vong, nếu ổ mủ vỡ miệng nhỏ mủ tràn vào phổi gây viêm phổi, nhiễm trùng huyết... tiên lượng dè dặt.
Ngoài ra, nếu bé đến trễ nhưng ổ áp xe không vỡ mà lan xuống thấp gây áp xe trung thất, chèn ép tim, vỡ động mạch cảnh, nhiễm trùng huyết, phải mở ngực xử lý. Khi ấy, tiên lượng dè dặt và khả năng dẫn đến tử vong.
Qua trường hợp trên, bệnh viện muốn gửi lời cảnh báo đến các phụ huynh có con bị bệnh về nhiễm trùng đường hô hấp (cần uống kháng sinh cũng như nhập viện khi cần thiết) nhưng không được điều trị đúng và có xu hướng để bé tự vượt qua vì ngại đến bệnh viện trong mùa Covid-19 sẽ dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm cho bé.
Ngoài ra, theo bài viết, bệnh viện đã có những hướng xử lý triệt để nhằm hạn chế lây nhiễm dịch bệnh cho khu nội trú nên bệnh nhân có thể yên tâm đến bệnh viện. Cụ thể, các bác sĩ khu khám bệnh muốn vào khu nội viện-khu phòng mổ phải mặc đồ bảo hộ, tránh vô tình làm lây lan Covid-19 vào khu nội viện nếu có.