Sau 3 tuần chăm chỉ đắp lá trầu da mặt người phụ nữ hồng hào, bóng mịn hơn nhưng sau đó thì mẩn đỏ, kích ứng, da bong tróc, chỗ trắng, đen loang lổ.
- Sợ bác sĩ nam, sản phụ tự sinh con ở nhà, chồng học cách đỡ đẻ trên Youtube khiến vợ tử vong thương tâm vì nhiễm trùng khi cắt dây rốn
- Thấy con thấp bé nhẹ cân so với bạn cùng trang lứa, người mẹ ở Hà Nội tốn hàng chục triệu mua thực phẩm chức năng, nào ngờ 'vỡ mộng' vì phản tác dụng
Theo thông tin từ Người Lao Động, sau sinh con thứ 2 chị N.T.T. (34 tuổi, Hà Nội) thấy hai gò má nổi nhiều nốt nám, da sạm dần. Tâm sự với nhóm chị em gần nhà, chị N. được mách lên mạng xem hướng dẫn đắp lá đầu để làm sáng da, trị nám. Hồ hởi làm theo, ban đầu chị cảm thấy mặt nóng rát, rất xót, nhưng nghĩ là cây lá tự nhiên và cũng mong có làn da đẹp chị không ngại ngần chịu đựng
"Người ta bảo dùng 3 lá trầu không, ngâm vào nước sôi rồi đắp lên vùng nám trong 5 phút nhưng tôi nghĩ mình bị nám nhiều nên tôi dùng 10 lá đắp hàng ngày. Sau 3 tuần chăm chỉ đắp lá trầu da mặt tôi hồng hào, bóng mịn hơn nhưng sau đó thì mẩn đỏ, kích ứng, da bong tróc, chỗ trắng, đen loang lổ. Không chỉ riêng tôi mà mấy chị em chơi cùng mách nhau làm theo cách này cũng bị thế, người bị ít, người bị nhiều"– chị N. kể.
Lúc này chị N. và những người bạn mới hoảng hốt, cùng nhau đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc dị ứng, tổn thương da sau trị nám.
Dẫn tin từ Sức khỏe Đời sống, lá trầu không có thể làm trắng da do trong loại lá này có chứa phenolic compounds, bao gồm các hoạt chất benzen, phenol, catechol, hydroquinone.
Chất này có tác dụng làm trắng da nhanh chóng, nên trong 3 ngày đầu đắp lá, sẽ có cảm giác kích ứng nhẹ như đỏ da, châm chích sau đó cảm giác này mất đi. Nhiều người sẽ cảm nhận được da trắng mịn hơn, tình trạng nám vì thế cũng giảm đi sau 1 tuần đắp lá.
Tác dụng trắng da này nhanh hơn bất kỳ loại thuốc làm trắng hiện tại trên thị trường. Do đó, rất nhiều người lầm tưởng đắp lá trầu không là một phương pháp làm đẹp thần kỳ không gây hại vì nó hoàn toàn đến từ tự nhiên.
Mặc dù, trong lá trầu không có chứa một số carbohydrate, acid glucouronic, acid α-hydroxy và một số acid amin tự do và tannin có lợi cho da... nhưng trong lá trầu không đồng thời lại có chứa trong đó các dẫn xuất của phenol như: Eugenol, cavacrol và chavicol; catechol (allyl-pyrocatechol), hoặc benzen (chavibetol, p-cymene và anethole)...
Đây là các thành phần gây ảnh hưởng trong việc làm mất sắc tố, gây độc tế bào sắc tố. Ngoài ra nó còn gây ra viêm da tiếp xúc và khiến tình trạng tăng sắc tố trở lại. Từ đó dẫn đến tình trạng tăng giảm sắc tố bất thương, khiến làn da bị loang lổ…