Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, khi trẻ mắc COVID-19 có các triệu chứng như thở nhanh, li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống, khó thở, cánh mũi phập phồng... cần liên hệ ngay cấp cứu để đưa trẻ đến bệnh viện.
- Hậu Covid-19, F0 thường đối mặt với những di chứng khủng khiếp nào?
- Ngày 13/11, Hà Nội phát hiện thêm 146 ca mắc Covid-19 ở 20 quận, huyện
Mới đây, Bộ Y tế đã có Quyết định 5155/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở trẻ em..
Tại quyết định này, Bộ Y tế đưa ra các dấu hiệu chuyển nặng cần báo cấp cứu 115 hoặc đội phản ứng nhanh tại xã phường để được cấp cứu tại nhà hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Cụ thể, 6 dấu hiệu này bao gồm:
- Thở nhanh;
- Khó thở, cánh mũi phập phồng;
- Rút lõm lồng ngực;
- Li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống;
- Tím tái môi đầu chi;
- SpO2 < 95%.
Ngoài ra, với 8 triệu chứng sau đây của trẻ, gia đình cần báo ngay cho nhân viên y tế:
- Sốt > 38 độ C;
- Đau rát họng, ho;
- Tiêu chảy;
- Trẻ mệt, không chịu chơi;
- Tức ngực;
- Cảm giác khó thở;
SpO2 < 96%;
- Ăn/bú kém.
Khi điều trị trẻ mắc COVID-19 mức độ nhẹ tại nhà, trường hợp điều trị không dùng thuốc cần lưu ý
- Áp dụng phòng ngừa chuẩn, đeo khẩu trang với trẻ ≥ 2 tuổi.
- Uống nhiều nước hoặc dung dịch điện giải oresol.
- Đảm bảo dinh dưỡng: bú mẹ, ăn đầy đủ.
- Vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng.
- Tập thể dục tại chỗ và tập thở ít nhất 15 phút/ngày (trẻ lớn).
- Theo dõi:
+ Đo thân nhiệt tối thiểu 02 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ sốt
+ Đo SpO2 (nếu có) tối thiểu 02 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ mệt, thở nhanh/khó thở.
Phụ huynh cần chú ý chăm sóc sức khỏe cho trẻ tại nhà (Ảnh minh họa)
Hướng dẫn của Bộ Y tế về điều trị COVID-19 cho trẻ em nêu rõ yếu tố nguy cơ bệnh diễn biến nặng của trẻ mắc COVID-19 là: Trẻ đẻ non, cân nặng thấp; Béo phì, thừa cân; Đái tháo đường, các bệnh lý gene và rối loạn chuyển hoá; Các bệnh lý phổi mạn tính, hen phế quản. Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi..); Bệnh thận mạn tính; Các bệnh hệ thống...
TS.BS Phan Hữu Phúc, khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hầu hết trẻ em nhiễm COVID-19 chỉ ở thể nhẹ nhưng một số trẻ vẫn có thể bị diễn biến nặng, đặc biệt với những trẻ có các bệnh nền hoặc trẻ nhỏ do sức đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch ở trẻ cũng chưa phát triển đầy đủ.
Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ tại nhà, tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như: đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để tăng cường sức đề kháng; tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc; giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, nhà cửa thông thoáng, lau chùi thường xuyên các vật dụng trong nhà và đồ chơi của trẻ, vệ sinh tay cho trẻ thường xuyên.
Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, tiêm vaccine là biện pháp quan trọng để kiểm soát đại dịch. Hiện Việt Nam chưa có có chỉ định tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ nhỏ nhưng người lớn tiêm vaccine giúp hạn chế sự lây truyền, đồng thời giúp bảo vệ những người không đủ điều kiện tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em.
Cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine khác theo đúng lịch để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.