Tuy đã xuất viện về nhà sau cơn thập tử nhất sinh nhưng nhiều F0 vẫn đã và đang hứng chịu những di chứng mà Covid-19 để lại.
- F0 nặng nhất tỉnh Sóc Trăng là cô gái mới 23 tuổi, chưa tiêm vắc xin
- Chủ tịch Hà Nội kiểm tra 2 điểm nóng Covid-19 tại Gia Lâm và Long Biên, tình hình thế nào?
Theo VnExpress, thông qua xét nghiệm khu phố, bà Đàm Thị Thanh N. (64 tuổi) ngụ Bình Chánh và hai con đều nhiễm Covid-19. Khác với anh P. (30 tuổi) - con trai bà N. - chỉ bị sốt nhẹ thì bà và con gái T.N. (44 tuổi) lại đau nhức đầu, ho nhiều, mệt mỏi, khó thở. Họ được đưa đến một bệnh viện dã chiến tại TP Thủ Đức.
Được biết, bà và con gái đều mắc bệnh nền là tiểu đường và cao huyết áp. Chị T.N. diễn biến nặng dần, nồng độ oxy máu (SpO2) tụt còn 70%, suy hô hấp phải thở máy. Sau hai ngày điều trị, chị T.N. nguy kịch nên chuyển viện lần ba, tới Trung tâm Hồi sức Covid-19 (đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách).
Gần một tháng điều trị ở các bệnh viện khác nhau, anh P. cho hay lúc mẹ và chị gái về đến nhà, anh mới thực sự tin họ bình an. Tuy nhiên đến nay cả ba người đều gặp những di chứng Covid-19 kéo dài, khiến sức khỏe giảm sút.
Anh P. bị viêm phế quản, thiếu máu, đau nhức vai, nhờ sức trẻ nên phục hồi tốt hơn. Còn hai người phụ nữ yếu mệt, da tái xanh, bắp tay chân teo nhỏ, rụng nhiều tóc, ăn uống kém, ho nhiều, hầu như chỉ nằm nghỉ trong phòng suốt tháng đầu tiên. Bà N. sụt 8 kg, mái tóc vốn đen, dày dặn nay bạc trắng, rụng từng mảng lớn khiến vùng đỉnh đầu hói chỉ trong vài tuần.
Đáng chú ý, hai người phụ nữ còn bị căng thẳng, ám ảnh với cái chết, sợ đến bệnh viện nên kiên quyết từ chối tái khám hậu Covid-19 theo lời dặn của bác sĩ. Vì vậy, khi con của anh P. (tức cháu bà N.) nhiễm Covid-19, những người lớn cứ tự trách mãi vì nghĩ trong người còn mầm bệnh.
Chị Y.N. (21 tuổi) sống tại TP Thủ Đức, cũng chịu các di chứng hậu Covid-19 hơn 50 ngày qua. Được biết, chị mắc bệnh khi đang mang thai gần 8 tháng, cách ly tại bệnh viện dã chiến. Hậu Covid-19, chị Y.N. thường xuyên tức ngực, ho nhiều, thậm chí ho ra máu, rụng nhiều tóc, da nổi mụn đỏ. So với thời kỳ mang bầu, chị cảm thấy hiện tại dễ mệt mỏi, mất sức hơn. Chị cũng không thể cho con bú sữa mẹ trong hai tuần đầu đời. Hiện tại, dù đã cố gắng làm nhiều cách, chị vẫn rất ít sữa, bé phải dùng thêm sữa ngoài.
Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM Cơ sở 3 cho biết, mỗi ngày đơn vị tiếp nhận 50-70 trường hợp đến khám sau khi khỏi Covid-19. Mỗi bệnh nhân thường có nhiều triệu chứng, ở các mức độ khác nhau, cả về thể chất và tinh thần. Các bác sĩ khám lâm sàng để xác định tình trạng bệnh ban đầu, rồi chỉ định làm xét nghiệm cần thiết để tìm hiểu nguyên nhân.
Riêng về tình trạng rụng tóc sau Covid-19, bác sĩ Vũ nhận định "căng thẳng khi mắc bệnh là nguyên nhân phổ biến". Tóc sẽ mọc trở lại khi nguồn gây căng thẳng đã bị loại bỏ. Rụng tóc còn có thể do nguyên nhân bệnh lý khác như viêm nhiễm da đầu, bệnh lý tự miễn, suy giáp, hội chứng buồng trứng đa nang, thiếu máu, thiếu chất... Vì vậy, người bệnh cần phải đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác, thay vì tự chịu đựng hoặc điều trị tại nhà.
Hội chứng Covid-19 kéo dài được ghi nhận ở nhiều bệnh nhân Covid-19 tại nhiều quốc gia. Theo một nghiên cứu của Anh đăng trên Tạp chí Y khoa E Clinical Medicine của The Lancet hôm 15/7, trung bình mỗi bệnh nhân Covid-19 gặp 56 triệu chứng khác nhau. Tổng cộng, 203 loại di chứng ảnh hưởng đến 10 cơ quan của cơ thể. Một phần ba số đó sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến người bệnh trong ít nhất 6 tháng kể từ khi khỏi Covid-19.
Các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi, kiệt sức và sương mù não. Những tình trạng khác bao gồm ảo giác, run rẩy, ngứa da, chu kỳ kinh nguyệt bất thường, rối loạn chức năng tình dục, các vấn đề tim mạch và bàng quang, bệnh zona, mất trí nhớ, mờ mắt, tiêu chảy và ù tai.