Theo người mẹ của Nguyễn Thị Thanh Nhã, từ nhỏ cô đã đam mê môn bóng đá, mỗi lần đi học về thường trốn đi tập với một số người bạn.
- HCV của Đội tuyển nữ Việt Nam tiếp thêm tinh thần cho U22 Việt Nam
- LĐBĐ châu Á vinh danh Việt Nam, ấn tượng với con số lịch sử
Chiều 16/5, ngôi nhà của gia đình bà Vũ Thị Chi (47 tuổi, ở xã Dũng Tiến, Thường Tín, Hà Nội) tràn ngập tiếng cười hơn mọi ngày, bà Chi vẫn tất bật bên chiếc máy dệt để kịp giao hàng cho khách.
Mẹ của nữ cầu thủ Nguyễn Thị Thanh Nhã sau pha ghi bàn
Vừa tranh thủ rời chiếc máy để trò chuyện với chúng tôi, bà Chi phấn khởi cho biết, sáng nay đi ra chợ ai ai cũng chia vui vì siêu phẩm của con gái ghi được cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vào phút thứ 75 trong trận đấu tranh huy chương vàng SEA Games 32 tối hôm qua trước Myanmar.
Bà Chi nói, tối hôm qua có một vài người hàng xóm và anh em đến gia đình bà ngồi xem qua màn ảnh nhỏ, trong lúc mọi người đang chú ý xem và bàn tán rôm rả thì Thanh Nhã ghi bàn vào lưới Myanmar, tất cả đều đứng hết lên vỗ tay sung sướng.
"Mọi người ai cũng phấn khởi khi con gái ghi được bàn thắng. Các trận khác thì không nói nhưng hôm qua là trận chung kết nên tôi rất vui mừng", bà Chi nói.
Chia sẻ về tuổi thơ của nữ cầu thủ xinh đẹp, người mẹ cho hay, Thanh Nhã là con gái thứ 2 trong gia đình có 4 chị em. Thanh Nhã rất đặc biệt và nổi trội hơn nhiều đứa trẻ khác vì mới 6 tháng tuổi đã chập chững biết đi. Khi lên lớp 2, Thanh Nhã bắt đầu thích xem bóng đá trên tivi và các trận bóng đá ở làng đều muốn đi.
"Ban đầu, từ nhỏ tôi không đồng ý đâu nhưng vì chiều đam mê của con, mỗi lần đi học về con đều bỏ quả bóng lên giỏ xe rồi trốn đạp đi đá bóng cùng chị họ và các bạn".
Theo bà Chi, khi Thanh Nhã lên lớp 7, cô gái nhỏ nhắn bộc lộ rõ khả năng đôi chân với bóng đá, người thầy ở xã bên đã dạy miễn phí cho con cùng các bạn nên chiều đến đi học về là Nhã lại trốn đi sang đó tập luyện.
Sau đó, Nhã được giới thiệu lên trung tâm huấn luyện ở Hà Đông (Hà Nội) với ước mơ trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp.
Hồi đầu đưa con gái lên trung tâm luyện tập, vợ chồng bà Chi nhiều đêm mất ngủ vì nhớ, sau lại lo con gái phải tự lập sớm.
Khi Thanh Nhã được ra sân thi đấu, trận nào diễn ra ở Hà Nội và các tỉnh lân cận vợ chồng bà Chi đến trực tiếp cổ vũ, còn nếu con gái đi nước ngoài thì bố mẹ đều xem qua ti vi hoặc internet.
"Khoảng 12h đêm qua, sau khi giành chiến thắng, con gọi điện về bảo bố mẹ ngủ chưa? Tôi bảo bố mẹ chúc mừng con gái và đội, lúc này bố mẹ đã xem đi xem lại các tình huống của đội tuyện ghi bàn", bà Chi kể.
Thói quen suốt 10 năm
Theo bà Chi, trong thời gian luyện tập chuẩn bị cho SEA Games 32 rất vất vả, lịch thi đấu liên tục nhưng Thanh Nhã luôn nhớ gọi điện về tâm sự với gia đình, đó là thói quen từ 10 năm qua của Nhã.
Hôm qua trước trận đấu, Nhã gọi điện thoại về nói mong muốn và quyết tâm hết sức để cùng cả đội giành huy chương vàng.
"Ở Campuchia, trời nắng gắt trên 40 độ C. Hôm con gọi về, tôi nhìn thấy mặt mũi bị bong tróc hết cả da mặt. Tôi hỏi vì sao thì con bảo nắng quá. Nó đá suốt ngày ngoài trời như vậy cũng không có nhiều thời gian nghỉ ngơi nên bố mẹ nhìn cũng xót con", bà Chi nói và cho biết, theo dõi qua truyền hình thấy con gái bị thương ở cổ chân, dây chằng bà rất xót xa nhưng nhờ ban huấn luyện, y bác sĩ quan tâm chăm sóc nên bà cảm thấy an tâm và tự hào về con gái.
Bà Chi cho biết thêm, theo lịch đêm nay Thanh Nhã sẽ cùng đội tuyển về Việt Nam, gia đình dự đoán sau đó một ngày con gái sẽ được ban lãnh đạo đội tuyển cho về thăm gia đình.