"Cậu ấy đáng ra đã có một sự nghiệp tốt hơn nếu được lựa chọn con đường đúng đắn", HLV Guillaume Graechen từng tiếc nuối nói về Công Phượng.
- Bùi Hoàng Việt Anh: "Tôi chạnh lòng khi nhiều người nói U23 Việt Nam chưa tốt trước VCK U23 châu Á 2022"
- Câu chuyện xúc động của Dụng Quang Nho về cha: Tôi chạnh lòng vì mình làm cho ông ấy buồn
"Vòng kim cô" của Công Phượng
Trong một bài trả lời phỏng vấn với Zing cuối năm ngoái, ông thầy thân thiết của lứa U19 HAGL lẫy lừng với những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... đã nói rằng cậu học trò cưng Công Phượng chính là "nỗi tiếc nuối lớn nhất của tôi nhiều năm qua".
Nói về cậu học trò xuất sắc nhất của mình, chiến lược gia người Pháp nhận xét: "Cậu ấy có phẩm chất kỹ thuật, tư duy chơi bóng và ý chí mạnh mẽ. Trong những sản phẩm của HAGL JMG, Phượng là người sáng cửa ra nước ngoài nhất". Vậy điều gì đã khiến tiền đạo người Nghệ An lại thất bại thảm hại trong lần "chạm ngõ" châu Âu?
"Trước khi sang Bỉ, Công Phượng từng nhận được lời mời từ Clermont ở Pháp. Mọi thủ tục cần thiết đã được hoàn tất. Đội bóng này từng chiêu mộ 4 cầu thủ của JMG. Họ hiểu Công Phượng và muốn lấy cậu ấy hoàn toàn vì yếu tố chuyên môn. Tuy nhiên, thương vụ này gặp khó ở chuyện nên cho mượn hay bán đứt và không thể hoàn thành vào phút cuối.
Tôi thấy tiếc cho Phượng, Ở Bỉ, cậu ấy gần như không có cơ hội. CLB Sint-Truidense có tới 7 vị trí chơi ở vị trí của Phượng, trong đó có một người đang là đội trưởng. HLV trưởng Sint-Truidense không viết rõ về Phượng. Cần phải thực tế, họ chiêu mộ cậu ấy để phục vụ mục đích thương mại", HLV Graechen lý giải.
Cũng theo HLV này, chính sự "lệch pha" giữa HAGL với JMG, cũng như CLB Pháp muốn có được sự phục vụ của Công Phượng hoàn toàn vì yếu tố chuyên môn đã khiến thương vụ này thất bại: "Đúng là Clermont muốn mượn Công Phượng miễn phí, nhưng họ cần cậu ấy vì mục đích chuyên môn chứ không phải để làm thương hiệu. Nếu sang Pháp, cậu ấy sẽ có cơ hội thi đấu. Nếu tỏa sáng, giá trị của Phượng sẽ tăng lên và HAGL có thể thu về khoản phí đáng kể nếu bán cậu ấy vào năm sau nữa.
Đó là cách JMG đang kiếm tiền từ việc đào tạo cầu thủ. Chúng tôi gửi cầu thủ đến các CLB và đính kèm những điều khoản thanh toán rõ ràng. CLB không phải bỏ ra số tiền ngất ngưởng để mua cầu thủ mà chi tiền dựa trên đóng góp thực tế của anh ta. Nó căn cứ trên số lần ra sân, số bàn thắng, pha kiến tạo, sự xuất hiện ở Cúp châu Âu hay % từ việc chuyển nhượng cầu thủ sau này.
Phương án này mang đến sự công bằng cho các bên. Các CLB không cần phải bỏ ra số tiền lớn để mua đứt một cầu thủ mà họ chưa chắc anh ta có hòa nhập và tỏa sáng ở môi trường mới. Còn JMG vẫn có thể thu về lợi nhuận lâu dài từ những người thậm chí đã hết hạn hợp đồng. Tôi đã nói điều này với HAGL rất nhiều, nhưng họ không tán thành".
Pháp là điểm đến thích hợp nhất cho Quang Hải?
So với Công Phượng, lúc này Quang Hải có được lợi thế hơn rất nhiều khi đã là cầu thủ tự do ở tuổi 25, thay vì phải nằm trong vòng cương tỏa của "chiếc vòng kim cô" mang tên HAGL cho đến tuổi 28 như Công Phượng. Điều này đồng nghĩa với việc tiền vệ người Đông Anh có thể tự đưa ra quyết định mà anh cảm thấy có lợi nhất cho mình, thay vì phải trông chờ vào quyết định từ bầu Đức như ngôi sao đàn anh.
Cũng chính vì điều này, các CLB châu Âu muốn có được ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại sẽ hứng thú hơn rất nhiều khi chỉ phải "hỏi ý kiến" duy nhất Quang Hải, thay vì phải vừa nhìn Công Phượng, vừa "hỏi xin" bầu Đức.
HAGL có thể đã phải "nâng lên đặt xuống" khi cần "giá trị thặng dự" từ Công Phượng khi cho mượn cầu thủ này đến Hàn Quốc hay châu Âu, nhưng với việc đang sở hữu chính mình, Quang Hải rất có thể không cần điều đó. Một mức lương thỏa đáng cùng một bản hợp đồng ngắn hạn là đủ đề tiền vệ này và CLB ngồi lại với nhau để cùng cho nhau cơ hội. Và đương nhiên bản hợp đồng ấy sẽ có giá trị chuyên môn cao hơn rất nhiều so với bản hợp đồng đưa Công Phượng sang Bỉ ngày nào.
"HAGL kiếm được một vài khoản tiền từ các lần cho mượn cầu thủ. Nhưng chuyện này có giúp ích được gì cho sự nghiệp của cầu thủ? Với những người trẻ, thi đấu dưới dạng cho mượn giúp họ tích lũy kinh nghiệm. Nhưng với những cầu thủ 24, 35 tuổi, sự ổn định và phát triển mới là điều cần được hướng tới", phân tích này của HLV Graechen cũng chính là "kim chỉ nam" cho Quang Hải lúc này.
Có thể CLB Pháp mà Quang Hải khoác áo sắp tới đây chỉ là bước khởi đầu cho hành trình của tiền vệ ngôi sao Việt Nam ở trời Âu, song nó sẽ đem lại sự ổn định, kèm theo đó là triển vọng phát triển khi Quang Hải được hoàn toàn quyết định, cộng với sự tư vấn của những chuyên gia dạn dày kinh nghiệm về bóng đá châu Âu bên cạnh mình.
Nhưng tại sao lại là Pháp? Với cả Quang Hải hiện tại, cũng như Công Phượng trong mắt của ông thầy Guillaume Graechen ngày nào? Có lẽ bởi bóng đá Pháp là môi trường khá thích hợp cho các cầu thủ Đông Nam Á, nếu nhìn vào trường hợp của cầu thủ gốc Lào Billy Ketkeophomphone.
Có lẽ chính thức "hạ cánh" trên đất Pháp, Quang Hải sẽ phải nói lời cảm ơn đến Công Phượng bởi những bài học đắt giá có được ở châu Âu, để bước chân khai phá "vùng đất mới" của cầu thủ Việt Nam được vững vàng hơn, con đường phía trước thông thoáng và triển vọng hơn không chỉ cho tương lai của ngôi sao này, mà còn cho cả những tài năng trẻ của bóng đá nước nhà.