Do trở ngại địa chất và rất nhiều khó khăn trong việc giải cứu cháu bé, lực lượng chức năng tiến hành hội ý với chuyên gia trong nước và quốc tế để có giải pháp kịp thời.
- Loạt thiết bị được đưa đến hiện trường giải cứu cháu bé: Những nỗ lực và sự mong chờ của hàng triệu người
- Xuyên đêm giải cứu cháu bé rơi trụ sâu 35m: Bắt đầu lồng ống thép vào cọc bê tông để nhổ lên cứu bé
Theo Tiền Phong, sau khi công bố thông tin bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi), rơi xuống trụ bê tông rỗng sâu 35m tại công trình cầu Rọc Sen tử vong. Sáng 5/1, ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết các đội cứu hộ vẫn phối hợp thực hiện nhiệm vụ tại hiện trường để thống nhất phương án cứu hộ nhằm đưa bé trai lên mặt đất lo hậu sự.
Tuy nhiên, đến trưa nay (ngày 5/1), lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể đưa được cọc lên trong đêm vì khối đất đá ở tầng thấp có độ nén chắc, thiết bị đưa xuống hạn chế nên kết quả chưa được mong muốn.
“Sáng nay (5/1 - PV), các nhóm chuyên gia, đơn vị thi công đã có buổi hội ý khẩn cấp và trưng cầu ý kiến của những chuyên gia giỏi trong nước và quốc tế về lĩnh vực cứu hộ bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến để giải quyết vấn đề tầng địa chất sâu trong lòng đất. Hiện các biện pháp tối ưu đang được chọn lựa, làm thế nào đưa được đoạn ống thứ nhất lên để triển khai phương án cứu hộ tiếp theo”, ông Bửu nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, để làm được việc này thì vô cùng khó khăn do giải pháp kỹ thuật thi công ở phần đất sâu là rất khó. Do đó, các biện pháp thi công hiện nay phải bảo vệ được ống cọc để rút lên còn nguyên nên cần tính toán phù hợp, đủ thiết bị chuyên dụng thì mới có thể thực hiện được, chưa thể khẳng định được thời gian cụ thể. Nhìn chung, các đơn vị thi công, chuyên gia đang tập trung ở mức cao nhất.
Cũng theo Báo Nhân Dân trước đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cũng thừa nhận “chưa thể xác định chắc chắn thời gian hoàn thành”.
“Khi xuyên thấu đến độ sâu 35m, chúng tôi gặp tầng đất sét ở cuối với độ nén rất lớn và phức tạp. Trong điều kiện lòng ống chật hẹp, việc thao tác rất khó khăn. Chúng tôi đã tham khảo ý kiến các chuyên gia liên tục nhưng vẫn phải chấp nhận, bảo đảm làm tới đâu an toàn tới đó nên chưa thể xác định chắc chắn thời gian hoàn thành”, đại diện tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh.
Đến thời điểm hiện nay các cơ quan chuyên môn đã có thủ tục xác định nạn nhân tử vong và tìm mọi cách đưa em lên sớm nhất để lo hậu sự.
Được biết, trước khi thông tin với báo chí như nói trên, cha của bé Hạo Nam đã được đưa vào hiện trường làm việc với cơ quan chức năng, các chỉ huy cuộc cứu hộ - cứu nạn này.
Từ đêm 3/1 đến 11 giờ ngày 4/1, công tác cứu hộ vẫn đang được Ban chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Đồng Tháp thực hiện khẩn trương nhằm cứu nạn em bé lọt trong lòng ống bê tông.
Do điều kiện địa chất phức tạp nên công tác cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên tất cả phương tiện, thiết bị, nhân lực đã được huy động tối đa cho công tác cứu nạn em bé.
Cũng trong sáng nay, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận cùng các chuyên gia, công an, quân đội đã đến để hỗ trợ thêm cho công tác cứu nạn bé trai bị kẹt trong ống cọc bê-tông.