Vì sao địa phương không mặn mà làm nhà ở xã hội?

Thị trường 18/11/2018 06:00

Ông Vũ Xuân Thiện – nguyên Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, quỹ đất không địa phương nào muốn nhả ra để làm nhà xã hội vì không thu được thuế.

Phân tích nguyên nhân tại sao hiện nay nhà ở xã hội cầu nhiều, cung ít, ông Vũ Xuân Thiện – nguyên Phó cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, do lúc đầu khi nghiên cứu, rất ít người dân có nhu cầu mua, bây giờ khác, chất lượng tốt, kết cấu thẩm định chặt chẽ, rẻ vì có ưu đãi của Nhà nước.

“Nhà ở xã hội không mất tiền sử dụng đất, thuế VAT giảm 50%, thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm, chính vì thế mà giá giảm đi”, ông Thiện nói.

Vì sao địa phương không mặn mà làm nhà ở xã hội? - Ảnh 1

Nhà ở giá rẻ khi nghiên cứu thấy nhu cầu không nhiều, nhưng thực tế lại rất nhiều. (Ảnh: Ngọc Vy).

Đặc biệt, ông Thiện nhìn nhận, nhu cầu cần ở nhà giá rẻ, đặc biệt là nhà ở xã hội vẫn cao, chiếm trên 60%. Trong khi đó, quỹ đất không địa phương nào muốn nhả ra để làm nhà xã hội.

“Họ nhả đất ra làm nhà thương mại thì thu được thuế. Vì thế, quan điểm là các khu đô thị, khu nhà ở là phải trích 20% diện tích làm nhà ở xã hội nhưng địa phương không đôn đốc doanh nghiệp nhả đất để làm nhà ở xã hội, cuối cùng vẫn làm nhà ở thương mại. Một phần cũng do quỹ đất làm nhà ở xã hội ở các địa phương rất khó khăn”, ông Thiện nói.

Bên cạnh đó, ông Thiện cũng cho rằng, Chính phủ rất quan tâm đến xây dựng nhà ở thương mại giá thấp, nhưng thực hiện hạn chế không đồng bộ. Ông đề nghị Chính phủ có chỉ thị rà soát lại tất cả các nội dung này.

Đồng thời, nguyên Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ vốn đối với nhà ở xã hội, nếu không có hỗ trợ cho doanh nghiệp phải hỗ trợ cho người dân để mua; đối với căn hộ thương mại giá thấp, nếu địa phương có điều kiện thì hỗ trợ mức nào, chính sách khó mà hỗ trợ.

“Phải có sự rà soát vào cuộc của các cơ quan chức năng thì mới thực hiện tốt được”, ông Thiện nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng đưa ra 4 đề xuất cần thiết tạo ra bứt phá cho thị trường này.

Thứ nhất, việc quy hoạch phải thực hiện hai điều là quy hoạch riêng cho nó, không để lổn nhổn căn hộ cao cấp và bình dân vào một chỗ. Tiếp đến, thay vì chính sách thu 20% các căn hộ thương mại để làm nhà ở xã hội gây khó cho chủ đầu tư, thu tiền này, đưa vào quỹ phát triển nhà ở xã hội.

Thứ hai, xây dựng bộ cơ cấu nhà ở xã hội có diện tích, giá phù hợp với túi tiền, nhu cầu sống, bố trí các căn hộ ở những nơi phù hợp.

Thứ ba, cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước, bao gồm: Hỗ trợ về mặt tín dụng, lãi suất; phải giảm thiểu tất cả các chi phí, cả tiêu cực phí cũng phải bỏ, nếu không cũng chiếm 1/3 giá; xây dựng cơ chế trả chậm, xử lý tranh chấp trả chậm.

Thứ tư, tiêu chuẩn hóa, quy chuẩn hóa nhà ở xã hội.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế cho biết, việc đầu tiên là phải chuẩn hóa, ngoài chuẩn hóa căn hộ, đối tượng phục vụ là người thu nhập thấp thì người giàu cũng có quyền tiếp cận. “Hỗ trợ ai, hỗ trợ cho những người có nhu cầu nhà ở có đúng không, tôi cho rằng chưa chắc đã đúng”, TS Ánh nói.

Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế cũng nêu quan điểm về việc đưa ra ưu đãi, hỗ trợ là không đúng bản chất  của hộ bình dân. “Giá cả là do cung cầu quyết định. Với thị trường này đang tiếp cận cung cầu do giá quyết định, điều chỉnh cầu, cung thế nào để ra giá, cũng phải đặt ra. Để phát triển một cách thật sự, phát triển dựa trên quy tắc của thị trường”, TS Ánh nhấn mạnh.

Ðổ xô 'săn' bất động sản 'nghìn thu'

Từ câu chuyện thật như đùa “nhậu trên mộ của mình” ở Quảng Ninh, chúng tôi tìm được tung tích chủ nhân của hàng chục dự án bất động sản dành cho người sang “thế giới bên kia”.

TIN MỚI NHẤT