Hàng loạt chung cư tầm trung nhưng “tự phong” cao cấp để bán cho khách hàng. Hậu quả, người mua nhà nhận trái đắng khi vào ở.
- Nhà ống trong ngõ nhỏ Hà Nội đẹp mãn nhãn khi xuất hiện trên báo Tây
- Đà Nẵng xử phạt khu phức hợp khách sạn đồ sộ ven sông Hàn
1 căn hộ 26 lỗi
Phản ánh với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thảo cho biết, vào tháng 5/2015 có mua căn hộ B06.01, dự án Gateway Thảo Điền tại số 2 Lê Thước, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM của Công ty Cổ phần bất động sản Sơn Kim-Sơn Kim Land.
Đến tháng 4/2018, chị Thảo nhận căn hộ với 26 lỗi như kính phòng tắm đứng bị trầy, ngăn tủ dưới lò viba bị vênh, cửa chính bị trầy và đắp sơn sần sùi, máy nước nóng rỉ nước, khung bao cửa chính có nhiều vết thủng và dính sơn, sàn gạch phòng tắm bị bể, cạnh tủ quần áo tróc sơn, vách tường phòng giặt phơi bị ố và lỗ đinh rất nhiều…
Ngày 7/5, chị Thảo báo cho Sơn Kim Land để sửa chữa. Phía Sơn Kim Land dự kiến sẽ hoàn thành việc sửa chữa vào ngày 23/5 nhưng tới tận tháng 8/2018, chủ đầu tư mới sửa chữa một số lỗi. Hiện tại, căn hộ của chị Thảo vẫn còn vài lỗi chưa được sửa xong.
“Tôi phải đi lại và hối thúc rất nhiều lần, mà họ vẫn chây ì không sửa. Giữa Ban quản lý tòa nhà là Công ty TNHH Savills Việt Nam và Sơn Kim Land cứ đùn đẩy trách nhiệm sửa chữa cho nhau. Điều này khiến tôi phải chịu thiệt hại khoảng 100 triệu đồng vì không thể cho thuê căn hộ và mất thu nhập vì phải bỏ thời gian làm việc để đi lên giám sát sửa chữa”, chị Thảo nói.
Nhưng mọi việc chưa dừng lại ở đó, đến ngày 6/10 căn hộ lại bị cắt điện với lý do chị Thảo không thanh toán tiền điện. Dù rất nhiều lần trước đó, chị Thảo đã viết yêu cầu gởi Ban quản lý là sẽ không thanh toán tiền điện, nước cho đến khi nào Sơn Kim Land hoàn tất việc sửa chữa căn hộ. “Tôi không nhận được phản hồi nào từ Ban quản lý về việc chấp thuận hay không yêu cầu của mình, cũng như không nhận được thông báo cắt điện. Vậy mà họ đã tự ý cho cắt điện căn hộ của tôi, dù họ sai”, chị Thảo bức xúc.
Chủ nhân căn hộ này cho biết thêm, dù quảng cáo là căn hộ cao cấp nhưng bàn giao với hàng chục lỗi kèm theo thái độ làm việc hách dịch của Sơn Kim Land lẫn Công ty TNHH Savills Việt Nam.
Chị Thảo nói rất bức xúc vì cách và thái độ làm việc của Ban quản lý chung cư Gateway Thảo Điền và chủ đầu tư.
“Họ rất coi thường khách hàng. Chủ đầu tư nhận tiền xong rồi không cần quan tâm đến quyền lợi, nhu cầu của khách hàng. Chúng tôi bỏ tiền ra đầu tư mua nhà mới chứ không phải nội thất lỗi và chúng tôi cần có nhà nhanh để cho thuê thì mới có lợi nhuận cho chúng tôi. Còn Ban quản lý hàng tháng thu phí quản lý của cư dân, lẽ ra họ phải phục vụ chúng tôi nhưng ngược lại họ tùy tiện quyết định mọi việc và buộc chúng tôi phải theo sự sắp xếp của họ”, chị Thảo bức xúc.
Sau khi nhận được phản ánh của chúng tôi, bà Đào Thanh Huyền, Quản lý Truyền thông của Công ty Cổ phần bất động sản Sơn Kim nói sẽ gửi các phòng ban liên quan để giải quyết sự việc. Đến 10h20 sáng ngày 29/10, bà Huyền nói đã thoả thuận với khách hàng xong. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thảo khẳng định với chúng tôi: “Họ xạo đó”.
Tương tự, căn hộ Opal Riverside được Công ty Cổ phần Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh (DXG) quảng cáo là căn hộ cao cấp. Tuy nhiên, khi bàn giao nhà nhiều khách hàng bất ngờ vì công trình còn quá nhiều lỗi và chưa hoàn thiện, nhất là hệ thống công trình phụ chưa làm xong. Do đó, nhiều người bỏ về mà không ký vào biên bản nghiệm thu và nhận căn hộ.
Lúc này, Đất Xanh dùng cách ai đóng tiền và ký vào biên bản nghiệm thu căn hộ sẽ được tặng bếp điện trị giá 18 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều khách hàng vẫn từ chối ký vào biên bản nghiệm thu vì căn hộ còn quá nhiều lỗi và thiết kế sai so với hợp đồng mua bán.
Điển hình như diện tích lô gia bị thu hẹp từ 1,25m trong hợp đồng xuống 1,05m trên thực tế. Xuất hiện 3 ống xả thải ở lô gia rất xấu và phản cảm. Sàn gỗ bị phồng rộp, sàn gạch thì bị đọng nước. Mỗi khi trời mưa, trần nhà bị thấm và nước từ bên ngoài men theo cửa sổ chảy vào nhà.
“Chúng tôi có cảm giác bị lừa. Nếu ban đầu hình ảnh 4 ống xả nước thải lộ thiên này hiện hữu trên nhà mẫu thì ai dám mua. Khách hàng hoàn toàn không hề biết cho đến thời điểm này. Hình ảnh những ống thải phân đi ngang, lộ ra to và xấu xí thì có khách hàng nào nhận nhà vui vẻ”, một khách hàng nói.
Còn nhiều hộ dân cư sinh sống tại chung cư Saigonres Plaza do Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Nam Đô làm chủ đầu tư phản ánh, nhận bàn giao nhà từ cuối năm 2016 thì đầu 2017 đã xuất hiện nhiều bất cập và hỏng hóc, ngấm dột...
Về chất lượng xây dựng, các hộ dân phản ánh tường nhà nhiều nơi có xuất hiện các vết nứt, tường bị thấm nước, ẩm mốc. Trong hầm để xe, nước dột lênh láng, chảy qua cả đường dây điện. Chưa kể, hệ thống thoát nước tại một số tầng có hiện tượng bị trào ngược, sủi bọt mỗi khi trời mưa khiến nước thải bẩn tràn vào nhà từ đường ống trong nhà tắm, hành lang...
Hệ thống thang máy cũng từng khiến nhiều người dân phải đứng tim khi liên tục gặp sự cố như rơi tự do, dừng bất chợt, kẹt giữa các tầng. Trong hợp đồng mua bán, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Nam Đô cam kết các trang thiết bị nhà tắm như vòi sen, lavabo, bồn cầu… sử dụng hàng của các thương hiệu như TOTO, CEASAR hoặc các chủng loại ngoại nhập tương đương. Tuy nhiên, chủ đầu tư tự ý thay bằng sản phẩm nhập từ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
Lừa đảo
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trong nhiều năm qua thị trường bất động sản, đã xuất hiện tình trạng loạn danh xưng chung cư cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ siêu sang. Một số chủ đầu tư còn dùng tên nước ngoài gắn với các cụm từ như Luxury, Hi-end, Premier, Royal... được sử dụng tràn lan và coi đây là một thủ thuật câu khách, quảng bá sản phẩm.
“Nhiều dự án bất động sản được chủ đầu tư tự phong dự án cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ siêu sang nhưng chưa hề được Sở Xây dựng hoặc đơn vị đánh giá độc lập công nhận. Các chủ đầu tư này đã cung cấp thông tin sai lệch, vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 13 điều 6 Luật Nhà ở 2014”, ông Châu nói.
Chủ tịch HoREA cho rằng, các doanh nghiệp này đã cung cấp thông tin về nhà ở không chính xác, không trung thực, không đúng quy định hoặc không đúng yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời cũng vi phạm các hành vi bị cấm tại khoản 3 và 4, điều 8 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 vì đã không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản và có dấu hiệu gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản, làm cho người tiêu dùng bị nhầm lẫn gây thiệt hại về quyền lợi khi mua nhà.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Hữu Quyền, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, có hiện tượng các chủ đầu tư dự án thường dùng rất nhiều mỹ từ, như quảng cáo là căn hộ “chuẩn Singapore”, “chuẩn Nhật Bản” hay “chuẩn châu Âu”... để hút khách. Tuy nhiên, rất khó để xử lý bởi các chủ đầu tư thường lấy những điểm khác biệt của dự án làm điểm nhấn để đưa ra các thông điệp truyền thông tới khách hàng.
“Hiện nay, luật quy định trách nhiệm nghiệm thu công trình thuộc về chủ đầu tư và người chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc nghiệm thu đó, cơ quan Nhà nước không cần tham dự. Cụ thể, khi hoàn thành thi công xong phần nào thì chủ đầu tư, đơn vị thi công và đơn vị tư vấn giám sát đều phải cùng nhau làm một biên bản nghiệm thu. Trong đó xác nhận công trình đúng thiết kế, đúng chất lượng và đảm bảo kỹ thuật. Do đó, rất khó giám sát được chuyện gắn mắc chung cư cao cấp để lừa khách hàng”, ông Quyền nói.
Luật sư Quyền cho biết thêm, Thông tư của Bộ Xây dựng về phân hạng nhà chung cư chỉ mang tính chất định hướng như số lượng căn hộ trên diện tích sàn, thang máy, sảnh, hành lang hay khu công cộng... Dù Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có yêu cầu chủ đầu tư đăng ký phân loại nhà chung cư nhưng không bắt buộc. Họ dùng các cụm từ mang ý nghĩa cảm tính chứ không dùng các cụm từ trong luật.
Để hạn chế việc chủ đầu tư gắn mác chung cư cao cấp để lừa đảo người mua nhà, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị, cần phải sửa Thông tư 31/2016/TT-BXD quy định việc phân hạng và công nhận hạng nhà chung cư.
“Đã có một số nội dung bất cập, không sát thực tế của Thông tư 31. Các Thông tư của Bộ Xây dựng chỉ phân hạng chung cư sau khi đã xây dựng xong hoặc đã bán căn hộ cho khách hàng. Giai đoạn chủ đầu tư dự án mở bán căn hộ chung cư hình thành trong tương lai dưới “mác” chung cư cao cấp là lúc mà người mua nhà dễ bị lừa dối, mua nhầm sản phẩm không đúng như quảng cáo. Do vậy, cần sửa đổi Thông tư 31 để đảm bảo tính minh bạch của thị trường bất động sản và bảo vệ lợi ích chính đáng của người mua nhà”, ông Châu nói.