Doanh nghiệp địa ốc "đói vốn", lo ngại kịch bản lặp lại 10 năm trước?

Thị trường 07/07/2022 18:57

Điều gì sẽ xảy ra đối với thị trường bất động sản khi doanh nghiệp địa ốc đang chật vật tìm nguồn vốn? Liệu một kịch bản cách đây 10 năm có lặp lại trong thực trạng, doanh nghiệp đang khó có nguồn vốn lớn triển khai dự án?

Doanh nghiệp đang dần "đói vốn"

Trái phiếu đã trở thành cánh cửa đóng đối với doanh nghiệp địa ốc. Nếu như 1 năm trước, ngành bất động sản nằm trong danh sách nhóm doanh nghiệp có lượng trái phiếu phát hành thuộc top nhiều nhất thì đến nay, nhiều vụ việc với diễn biến phức tạp xuất hiện khiến các nhà đầu tư hoang mang. Và thực tế, doanh nghiệp đứng trước quy định thắt chặt việc phát hành trái phiếu. Đối với ngân hàng, dòng vốn chảy vào doanh nghiệp cũng khó khăn.

PGS.TS. Ngô Trí Long nhận định: "Trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp thiếu vốn trong khi vay ngân hàng cần tài sản đảm bảo, quy trình mất thời gian; vay vốn lưu động không được nhiều do sản xuất - kinh doanh khó khăn nên phải tìm cách huy động vốn mới để đảm bảo hoạt động kinh doanh.

Trái phiếu đã trở thành kênh huy động vốn tích cực cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn trung, dài hạn, qua đó giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Kênh gọi vốn trái phiếu đóng vai trò quan trọng với doanh nghiệp và san sẻ gánh nặng cho các ngân hàng, định hướng nhà đầu tư tập trung vào các khoản đầu tư trung, dài hạn thay vì gửi tiền tiết kiệm ngắn hạn…".

Doanh nghiệp địa ốc 'đói vốn', lo ngại kịch bản lặp lại 10 năm trước? - Ảnh 1

(Ảnh minh hoạ)

TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng đánh giá, cùng với thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp là kênh quan trọng trong huy động vốn đầu tư cho thị trường bất động sản.

Nguồn vốn trái phiếu giúp giúp giảm nhẹ rủi ro cho hệ thống tài chính và doanh nghiệp, nhất là giảm thiểu các rủi ro do sai lệch quá lớn về kỳ hạn và loại đồng tiền trong bảng cân đối kế toán - vốn là một nguyên nhân cốt yếu gây khủng hoảng tiền tệ Đông Á.

TS. Lê Xuân Sang cho rằng, nếu thiếu thị trường trái phiếu và cổ phiếu hữu hiệu và lành mạnh, các ngân hàng thương mại sẽ phải "oằn mình" huy động vốn và cho vay nền kinh tế, kéo theo đó những rủi ro về an ninh tài chính (nhất là nợ xấu và mất vốn) có thể phát sinh, đây là vấn đề không thể xem thường.

Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, siết thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là doanh nghiệp bất động sản, do nhiều doanh nghiệp chưa lên sàn, không thể huy động vốn trên sàn chứng khoán, trong khi tiếp cận tín dụng ngân hàng ngày càng khó khăn.

Do đó, chỉ nên đưa ra các quy định để ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trên thị trường trái phiếu, chứ không nên đưa ra các quy định siết quá chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Ngược lại, vẫn cần khuyến khích các doanh nghiệp tốt tiếp tục phát hành trái phiếu doanh nghiệp và coi đây là kênh huy động vốn trung, dài hạn quan trọng, làm giảm áp lực lên hệ thống ngân hàng.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn kép về nguồn vốn, khi ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp đồng loạt siết chặt. Nếu chặn dòng vốn vào bất động sản một cách cực đoan và đột ngột, nhiều dự án dở dang sẽ phải ngừng hoạt động, doanh nghiệp không thể trả nợ vay, ngân hàng đối mặt với nợ xấu, hệ lụy với nền kinh tế rất lớn.

Việc siết trái phiếu doanh nghiệp nên thực hiện có lộ trình, từ từ, từng bước một. Nếu phanh quá gấp thị trường trái phiếu, sẽ gây ra các cú sốc cho thị trường, không mang lại lợi ích cho nền kinh tế.

Các chuyên gia cho rằng, việc doanh nghiệp địa ốc "đói vốn" có thể tạo ra hệ luỵ xấu cho thị trường. Kịch bản này từng xuất hiện thời điểm cuối năm 2010 khi chính sách siết tín dụng xuất hiện. Doanh nghiệp rơi vào cảnh khó khi dự án lớn nhưng thiếu đi nguồn vốn triển khai. Kết quả là doanh nghiệp phải cắt lỗ sản phẩm, chậm triển khai dự án và đứng trước bờ vực phá sản.

Tìm nguồn vốn mới

Để thị trường phát triển bền vững, doanh nghiệp "đủ lực" triển khai dự án, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, cần hoàn thiện chính sách tín dụng đối với thị trường bất động sản theo hướng phân biệt rõ hơn bất động sản phục vụ nhu cầu thiết yếu và không thiết yếu để ưu tiên tập trung nguồn vốn phát triển, tránh phát triển quá nóng, gây bong bóng thị trường bất động sản.

Hơn nữa, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và tại Việt Nam ảnh hưởng tới hầu hết các ngành kinh tế, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, do đó, nên cân nhắc xem xét lùi lộ trình đối với tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, cần đẩy mạnh cho vay đối với các doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, có khả năng tập trung nguồn lực để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, sớm có sản phẩm bất động sản đưa ra thị trường trong một thời gian phù hợp.

Đặc biệt, cần quan tâm cung cấp vốn tín dụng cho các dự án đang trong quá trình thực thi và chuẩn bị đưa sản phẩm bất động sản cung cấp cho thị trường.

"Đây là điều cần thiết và quan trọng vì nếu nguồn cung hàng hóa bất động sản không đáp ứng được sự tăng lên của nhu cầu sẽ đẩy giá bất động sản tăng lên và tạo ra rất nhiều hệ lụy", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh khẳng định.

Kịch bản u ám cho nhà đầu tư địa ốc “tay không bắt giặc”

Trước những động thái kiểm soát tín dụng vào bất động sản và dự báo lãi suất cho vay có thể sẽ tăng vào nửa cuối năm nay khiến những nhà đầu tư "tay không bắt giặc" như đang "ngồi trên đống lửa".

TIN MỚI NHẤT