Chính quyền quân sự Myanmar đã cho phép hàng trăm nhân viên cứu hộ nước ngoài tới nước này vào ngày 29/3, sau khi trận động đất khiến hơn 1.600 người thiệt mạng. Đây được xem là thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất tại quốc gia Đông Nam Á này trong nhiều năm qua.
- Khung cảnh chưa từng thấy tại các bệnh viện ở Thái Lan, Myanmar: Bệnh nhân nằm la liệt bên ngoài, không khỏi hoảng loạn
- Số người mắc kẹt trong tòa nhà sập ở Thái Lan lên tới 81 người, tìm thấy 3 thi thể
Theo thông tin từ báo Dân trí, tính tới tối 29/3, theo Đội thông tin của Hội đồng quản lý Nhà nước Myanmar đã có tổng cộng 1.644 người thiệt mạng, 3.408 người bị thương và 139 người vẫn mất tích trong trận động đất mạnh xảy ra ngày 28/3.
Chính quyền quân sự Myanmar đã đề cập khả năng con số thương vong sẽ tiếp tục tăng cao khi giới chức địa phương đang cập nhật mức độ tàn phá, trong khi các đội cứu hộ chạy đua với thời gian, đẩy nhanh công tác tìm kiếm và cứu nạn tại các khu vực bị ảnh hưởng.
Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp tại 6 vùng bị ảnh hưởng nặng nề sau động đất (Sagaing, Mandalay, Magway, đông bắc bang Shan, Naypyidaw và Bago).
Các nỗ lực cứu hộ đang được tiến hành khẩn trương nhằm cứu những người vẫn còn đang mắc kẹt dưới các tòa nhà bị sập ở Myanmar, nhưng các báo cáo cho biết nhiều người đang phải dùng tay không vì không có máy móc hạng nặng. Một bức ảnh vệ tinh vừa được tiết lộ cũng cho thấy tháp kiểm soát không lưu đã bị sập hoàn toàn tại Sân bay quốc tế Naypyitaw trong thảm họa động đất kinh hoàng vừa qua tại Myanmar.
Chính quyền quân sự Myanmar ngày 29/3 đã cho phép hàng trăm nhân viên cứu hộ nước ngoài tham gia hỗ trợ các nạn nhân động đất tại nước này.
Sáng 29/3, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing cũng đã đến thành phố Mandalay để kiểm tra, đánh giá thiệt hại do động đất gây ra.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính số người chết trong thảm họa động đất tại Myanmar thậm chí có thể lên tới 10.000 người.

Theo thông tin từ báo VOV, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam tổ chức hội nghị về việc cử lực lượng sẵn sàng tham gia cứu trợ động đất tại Myanmar.
Cục Cứu hộ - Cứu nạn đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xây dựng kế hoạch, thành lập lực lượng tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa của QĐND Việt Nam tại Myanmar gồm 79 quân nhân.
Lực lượng này gồm: Chỉ huy, thông tin tuyên truyền, lực lượng cứu hộ (gồm lực lượng cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ tư lệnh Công binh và lực lượng huấn luyện viên, chó nghiệp vụ thuộc Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng) và lực lượng quân y.
Tổng chỉ huy lực lượng là Đại tá Phạm Hải Châu, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam.
Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật phối hợp với Cục Quân lực tổ chức lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, tập trung bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn và bảo đảm hàng cứu trợ cho nước bạn.
Đồng thời, Cục Đối ngoại triển khai các mặt công tác hỗ trợ về thủ tục xuất, nhập cảnh; phối hợp với Quân chủng Phòng không - Không quân và các hãng hàng không dân dụng tổ chức đưa lực lượng làm nhiệm vụ, trang thiết bị và hàng hóa cứu trợ đến khu vực tâm chấn tại Myanmar.

Sau khi nghe các cơ quan, đơn vị chức năng đánh giá, phân tích tình hình, Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam nêu rõ, việc cử lực lượng QĐND Việt Nam tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Myanmar thể hiện trách nhiệm cao trước cộng đồng quốc tế của Việt Nam.
Việc này cũng khẳng định uy tín, tinh thần trách nhiệm và năng lực của QĐND Việt Nam trong quan hệ, hợp tác quốc tế.
Thượng tướng Huỳnh Chiến Thắng yêu cầu Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Cục Đối ngoại, Binh chủng Công binh, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật và các đơn vị có liên quan phối hợp chặt chẽ, triển khai nhanh nhất về mặt thủ tục để lực lượng làm nhiệm vụ có thể lên đường vào ngày mai (30/3).
Các cơ quan, đơn vị chuẩn bị kỹ lưỡng về phương tiện, trang bị kỹ thuật, ưu tiên các phương tiện có tính lưỡng dụng, dễ cơ động, mang vác; bảo đảm tốt hậu cần, vật tư, hàng hóa, hàng viện trợ…
Đặc biệt, lực lượng làm nhiệm vụ chú trọng giải quyết mối quan hệ, phối hợp với các lực lượng quốc tế, chính quyền và người dân bản địa; phát huy phẩm chất tốt đẹp của QĐND Việt Nam, để lại ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè quốc tế và người dân Myanmar.