Người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới vừa cảnh báo rằng việc xem thường biến thể Omicron có thể gây ra nhiều hệ lụy khủng khiếp.
- Sự xuất hiện của biến thể Omicron: Báo hiệu một năm mới ảm đạm hay dấu hiệu của sự kết thúc đại dịch?
- Nam Phi triển khai kế hoạch tiêm mũi tăng cường vaccine Covid-19
Ngày 6/1 vừa qua, tại một cuộc họp báo, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom đã phát biểu: "Dù biến thể Omicron dường như ít nghiêm trọng hơn Delta, đặc biệt ở những người đã được tiêm chủng thì điều đó cũng không có nghĩa là có thể xem thường nó.
Giống như các biến thể trước đó của virus Corona, Omicron cũng đã khiến cho nhiều người nhập viện và tử vong. Trên thực tế, biến thể này đã gây ra một làn sóng dịch bệnh lớn và vô cùng nhanh chóng khi mà hệ thống y tế trên toàn cầu đang bị áp đảo".
Theo báo cáo của WHO, chỉ trong tuần vừa qua đã có gần 9,5 triệu ca dương tính mới với Covid-19, đồng nghĩa với với tăng hơn 71% so với tuần trước nữa và là mức tăng "kỷ lục". Không những vậy, Tổng giám đốc WHO còn khẳng định đây không phải là con số chính xác vì sau dịp nghỉ lễ dài hơi vừa qua thì các hệ thống giám sát dịch bệnh đang bị quá tải dẫn đến việc các ca dương tính không được thống kê một cách đầy đủ.
Cũng trong buổi họp này, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom đã một lần nữa nhắc lại lời kêu gọi tăng cường phân phối vaccine Covid-19 đến các quốc gia nghèo để người dân của họ được tiêm chủng, đồng thời tăng tỷ lệ tiêm chủng trên toàn thế giới.
Theo ông Tedros Adhanom, nếu chỉ tiếp tục tiêm vaccine dựa trên tốc độ hiện tại thì sẽ có đến 109 quốc gia không đạt được mục tiêu tiêm chủng đầy đủ là 70% dân số trước tháng 7 năm nay. Ông nói: "Chính sự bất bình đẳng về vaccine đang cướp đi nhiều sinh mạng và cơ hội việc làm, đồng thời khiến cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu ngày càng suy yếu".
Ngoài ra, Tedros Adhanom còn nhận định rằng vào năm 2022 thì thế giới sẽ có đủ vaccine để tiêm cho người trưởng thành trên toàn cầu, nhưng chỉ trong trường hợp các quốc gia giàu không tích trữ quá nhiều vaccine cho người dân của họ.