Đàn bà không sống thực dụng, không coi trọng quá mức đồng tiền nhưng cần phải thực tế. Đừng đến với hôn nhân khi cả hai người, ngoài tình yêu không còn gì nữa ngoài hai bàn tay trắng.
- Đàn bà à, đừng làm cái bóng bên cạnh chồng nữa
- Gửi người thứ ba: Cướp chồng người có bao giờ nghĩ đến hậu quả?
Nền tảng vững chắc của hôn nhân dựa vào tình yêu. Khi thương yêu nhau tận đáy lòng, người ta mới có thể cùng nhau vượt qua bao khó khăn, bao cám dỗ để ở bên nhau. Nhưng nếu hôn nhân chỉ dựa trên tình yêu thì chưa đủ. Những ai bước vào đời sống vợ chồng mới thấu hiểu một nền tảng tài chính vững vàng quan trọng như thế nào.
Khi yêu nhau, người ta thường mơ mộng về một cuộc sống tương lai đầy hạnh phúc. Lúc đó, họ thường lầm tưởng rằng chỉ cần được sống chung một nhà, được ở bên nhau thì trên đời này chẳng còn gì hạnh phúc bằng. Chỉ cần tối tối nằm ngủ cạnh nhau, ăn những bữa cơm đạm bạc thì cuộc sống nghèo khó cũng chẳng phải là điều gì quá to tát.
Đó chỉ là những ảo tưởng khi người ta chưa sống với nhau. Khi về chung một nhà, những lúc ốm đau bệnh tật, những lúc con cần sữa bỉm, đóng tiền học mới thấy sự quan trọng của đồng tiền. Vợ chồng bất hòa, con cái nheo nhóc đàn bà khi ấy mới bắt đầu hối hận: “Sao lại lấy người như vậy làm chồng?”.
Chị tôi có một mối tình đẹp suốt những năm cấp ba với một anh sinh viên. Ra trường, khi bạn bè tiếp tục con đường học vấn rộng mở thì chị xin ba mẹ lấy chồng. Ba mẹ tôi sửng sốt khi chị thú nhận trót đi quá giới hạn với anh kia, giờ chị đang mang thai hai tháng. Anh người yêu chưa ra trường, chị mới tốt nghiệp phổ thông. Ba mẹ tôi không thể phản đối vì cái thai trong bụng chị ngày một to nên nên đồng ý.
Đám cưới rình rang, cô dâu chú rể không giấu được niềm hạnh phúc trên khuôn mặt rạng rỡ. Nhưng chỉ có ba mẹ tôi, dù trong ngày vui của con vẫn cảm thấy buồn buồn. Ba bảo, chúng nó chưa đủ trưởng thành để hình dung được sự vất vả của cuộc sống gia đình.
Cưới nhau về, chị tôi ở chung với ba mẹ chồng. Nhà chồng cũng không xa nhà tôi mấy. Thời gian đầu, họ quấn lấy nhau như đôi bồ câu hạnh phúc, đi đâu cũng có nhau. Anh tiếp tục việc học đại học, ba mẹ nuôi. Chị tôi quẩn quanh ở nhà chờ đến ngày sinh. Chị tôi bảo, chỉ cần được sống với anh, ở cạnh anh là hạnh phúc. Còn kinh tế, sau này anh ra trường đi làm thì đâu còn gì phải lo lắng.
Nhưng nỗi lo chỉ ập đến khi chị sinh con. Bao nhiêu việc phải lo, tiền sữa bỉm cho con, rồi thuốc men khi con ốm sốt. Anh còn đi học, chưa làm ra tiền, còn ba mẹ đâu phải cái gì cũng lo cho con được. Chị cắn răng về vay ba mẹ ruột. Ba mẹ tôi thương cháu cũng dúi cho chị ít tiền nhưng cũng chẳng thấm vào đâu. Chị bắt đầu cảm thấy hối hận về sự vội vàng trong hôn nhân của mình.
Anh ra trường, cũng xin được một công việc nhưng đồng lương cũng chẳng thấm vào đâu. Ba mẹ cho hai người ra riêng. Đồng lương của anh chẳng đủ để trả tiền phòng, hóa đơn điện nước, tã bỉm cho con… Hai người thường xuyên cãi vã, bất hòa. Những bữa cơm chẳng còn ngon lành như trước. Chị gào lên với anh: “Đàn ông không nuôi nổi vợ con như anh thì quá tệ. Tôi hối hận vì đã cưới anh”. Anh sững sờ, hai tay ôm đầu bất lực.
Khi chị ôm con về nhà mẹ, chị bảo đã quá hối hận khi cưới nhau chỉ dựa vào tình yêu. Ngỡ rằng hạnh phúc, ngỡ rằng cuộc sống chỉ toàn màu hồng nhưng cuộc hôn nhân của họ đã đứng trên bờ vực thẳm. Những lời nói, những trận cãi nhau đã khiến tình cảm vợ chồng rạn nứt. Chị chẳng thể ôm con, sống nghèo khổ, con không sữa uống mà lừa dối rằng mình đang hạnh phúc.
“Một túp lều tranh, hai quả tim vàng” chỉ còn là chuyện trong tiểu thuyết. Đàn bà không sống thực dụng, không coi trọng quá mức đồng tiền nhưng cần phải thực tế. Đừng đến với hôn nhân khi cả hai người, ngoài tình yêu không còn gì nữa ngoài hai bàn tay trắng. Đàn ông cần vững vàng tài chính, và chính người phụ nữ cũng cần làm ra đồng tiền. Chỉ có như vậy, hôn nhân mới thực sự vững vàng.