Cái cảm giác không còn tất bật thời gian đưa đón con cho kịp giờ, mà vẫn được làm việc, được trả lương, há chẳng phải là cảm giác của tất cả những bà nội trợ trên đời này mong mỏi sao?
- Dành cho đàn bà đang có chồng ngoại tình, đàn ông đang phản bội vợ
- Trên đời này, mọi thứ đều có thể nắm giữ được, riêng trái tim của đàn ông thì không
Cụm chữ “ở nhà nội trợ” với nhiều người phụ nữ như là sự an bài của số phận. Nhiều chị em khác lại bám vào hai chữ thiên chức để biện minh cho việc “ở nhà chồng nuôi” của mình. Hiếm ai nghĩ nội trợ là một công việc chính danh mà đáng ra người lao động phải được nhận lương xứng đáng, phải có bảo hiểm, chế độ lao động, thời giờ nghỉ ngơi... như pháp luật quy định.
Nhưng, nếu xem bà nội trợ trong nhà như một người lao động, vậy thì ai sẽ là người trả lương?
Không ở nhà thì đi đâu?
Chị kể, có lần chị lủi thủi khóc khi mẹ chồng bảo: “Cô mà làm được gì, đến miếng băng vệ sinh cũng phải ngửa tay xin chồng tiền để mua”, lúc ấy chị uất ức đến nghẹt thở, nghĩ mình phải đi làm kiếm tiền bằng mọi cách. Nhưng đi làm kiểu gì, chị nghĩ chưa ra. Đứa con lớn đang dậy thì cần có mẹ đưa đón tới trường, đứa nhỏ bệnh triền miên, tuần nào cũng đi bệnh viện. Chồng chị cơ địa dị ứng, ăn uống khó khăn. Chỉ hình dung bỏ nhà đi làm, chị đã thấy rối bời. Chị nói với chồng trong nước mắt: “Em không ở nhà thế này được nữa”. Chồng chị hỏi: “Không ở nhà thế này thì đi đâu?”. Câu hỏi ấy đeo theo chị đi chợ, đón con và dai dẳng suốt bao nhiêu ngày tháng.
Trong một buổi “offline” dành cho các bà nội trợ, ban đầu những cái tên An, Hạnh, Thúy... tự hào rằng mình bình yên trong bức tường gia đình vững chắc, đấy là hạnh phúc với sự lựa chọn. Nhưng trò chuyện sâu hơn, họ bắt đầu chia sẻ nỗi niềm chung: ở nhà nhìn mấy bạn đi làm mà thèm, ngoài cảm giác mình tụt hậu so với đời sống hiện đại sôi động, họ còn buồn khi thấy mình vô dụng, không làm được việc gì ra hồn, mọi thứ liên quan tới tiền nong đều phải dè dặt.
Liên đã từng là giám đốc thu mua của một công ty nước giải khát nổi tiếng, trong lúc mệt mỏi, căng thẳng với công việc, Liên làm đơn nghỉ việc. Nhưng oái ăm thay, sau đó Liên xin việc nơi khác mấy lần đều không “đậu”, cô bất đắc dĩ phải ở nhà. Liên vui vẻ và hạnh phúc khi sáng chở con đi học, rồi chợ búa, có thời gian uống một ly trà, thi thoảng nướng bánh, rang đậu. Mùi thơm của gian bếp khiến Liên cảm thấy nhẹ nhõm. “Thôi cứ ở nhà luôn đi, để mọi thứ anh lo”, chồng Liên nói. Trở thành bà nội trợ đơn giản như... đang giỡn - Liên vẫn đùa như thế với bạn bè trong buổi họp lớp. Không sao hết, quan trọng chính là sự lựa chọn, Liên nhủ lòng vậy để vui với quyết định của mình. Nhưng đôi khi Liên vẫn thèm được xách túi vào trung tâm thương mại mua một cây son mắc tiền mà không cần hỏi ý kiến chồng.
Ai trả lương cho ô-sin... vợ?
Khi nghe tôi hỏi câu ấy, Hiền cũng như bao bà nội trợ khác bật cười. Cha Hiền nói với cô rằng, thời trẻ ông đi làm được hưởng thêm trợ cấp cho vợ con ở nhà. Trong lý lịch của con cái, phần nghề nghiệp của mẹ được ghi là “nội trợ”. Nghĩa là nội trợ từng được xem như một nghề bình thường giống mọi nghề. Nhưng dần dà, xã hội phát triển, người phụ nữ bước ra bên ngoài nhiều hơn, tạo những bước tiến mới trong công việc, sự nghiệp, thế nên nội trợ lại trở thành một định nghĩa mang màu sắc… tội nghiệp. Hai từ “nội trợ” gợi lên hình ảnh một người không làm ra tiền, không có quyền hành gì trong gia đình, mọi thứ phải lệ thuộc vào người làm ra tiền.
Hiền chua chát kể chuyện cô gái 13 tuổi của mình: “Con mới đặt hàng trên Lazada, khi người ta giao hàng mẹ nhận, trả tiền giùm con nha”, “sao con không xin phép mẹ mà tự tiện mua hàng vậy?”, “con hỏi mẹ, mẹ lại hỏi ý kiến bố, chi bằng con xin bố luôn cho rồi. Bố bảo con cứ mua rồi nhắn mẹ nhận hàng, dùng tiền chợ bố đưa mà trả, thiếu bố bù sau”.
Cảm giác nghẹn ngào xâm lấn Hiền, con cái trong nhà cũng xác định rằng Hiền không có tiền, nên chẳng có quyền quản lý chi tiêu của chúng. Món tiền chợ ấy chồng Hiền “phát” hằng tuần, và anh luôn hỏi còn bao nhiêu khi đưa tiền cho tuần kế tiếp. Đôi khi Hiền ước, giá mà cô đi làm ô-sin cho nhà khác, cô sẽ có số tiền tương đương và có hẳn quyền tự quyết với nó; đằng này, quần quật cả ngày với cơm nước, nhà cửa, con cái, mà khi nhận tiền cứ như ngửa tay xin xỏ vậy.
Mừng như được chồng trả lương
Chồng tôi đã đề nghị tôi ở nhà lo cho con cái, anh sẽ kiếm thêm tiền để “trả lương” cho tôi. Mấy chữ “chồng trả lương” khiến tôi sung sướng muốn hét toáng lên, khoe với bạn bè trên Facebook. Tại sao? Vì mình không bị lệ thuộc, vì mình không phải đồ bỏ đi không có giá trị gì, vì mình vẫn lao động và kiếm được tiền.
Sau khi tôi nghỉ việc, tôi và chồng ra một thỏa thuận, thỏa thuận này được thông báo cho các con. Đều đặn hằng tháng anh chuyển vào tài khoản của tôi 8 triệu đồng, gần bằng tiền lương hằng tháng tôi nhận khi đi làm. Mọi khoản đóng góp trước đây vẫn không đổi. Tôi ở nhà chuyên tâm hơn vào công việc mà hằng ngày cho dù có đi làm tôi vẫn phải chu toàn, ngoài ra vào những lúc rỗi, tôi còn có thời gian đọc vài cuốn sách, xem bộ phim mình thích và phụ chồng công việc sổ sách kế toán, báo cáo thuế thay vì anh phải thuê dịch vụ. Tôi thực sự thấy thoải mái. Thế mà tại sao bấy lâu không nghĩ ra việc này. Cái cảm giác không còn tất bật thời gian đưa đón con cho kịp giờ, mà vẫn được làm việc, được trả lương, há chẳng phải là cảm giác của tất cả những bà nội trợ trên đời này mong mỏi sao?
Bạn tôi đã từng là một người nổi tiếng, ngựa xe dập dìu. Đùng cái bạn nghỉ hết, lui về làm bà nội trợ đúng nghĩa với hàng lô việc nhà, đón đưa con ngày hai buổi. Bạn nói “chồng trả 20 triệu tiền lương, vừa bù cho tiền bạn nghỉ việc, vừa là chi phí hằng tháng trong nhà”. Bạn bè từng ngạc nhiên khi bạn “ở nhà chồng nuôi” như thế, nhưng nhìn thấy bạn trẻ ra, vui vẻ và bình an, ai cũng mừng cho bạn.
Chồng trả lương cho vợ, tại sao không? Khi mọi cống hiến của cả hai đối với mái ấm của mình là như nhau.