Người ta chỉ buồn và luyến tiếc khi đi qua những trải nghiệm thật sự tươi đẹp cùng nhau. Sống chung mà toàn giày vò, thất vọng thì ai đi đường nấy cũng là một lối mở.
Tuyến không xinh đẹp, không còn trẻ, lại làm nghề viết lách tự do nên nhiều chàng trai, sau vài lần hẹn, đã tỏ ra không muốn cùng cô tiến xa. Tuyến không ngại. Tư tưởng tự do cùng cá tính đặc biệt khiến cô luôn tự tin vì sự… ế của mình. Gia đình cô thì ngược lại. Hết cha mẹ, anh em, đến họ hàng, ai gặp cô cũng chỉ nói quanh một chuyện “bao giờ lấy chồng”. Sự nôn nóng kéo dài, dai dẳng đến độ mấy đứa cháu, dù bé tí ti, cũng vào cuộc mai mối cho dì. Lúc đầu, Tuyến dửng dưng, nhưng rồi thấy người thân ai cũng sốt ruột, nhất là mẹ, nên Tuyến cũng buồn.
Người ta bảo, khi ai đó buồn thì hãy trồng một cái cây, còn Tuyến buồn thì “trồng” một mối quan hệ vậy. Từ hôm họp mặt lớp cũ, Tuấn cũng đã đánh tiếng rủ Tuyến đi cà phê mấy lần mà Tuyến từ chối, giờ chắc phải nghĩ lại, bởi duyên thường đến khi người ta không còn đủ kiên nhẫn để chờ. Không những là bạn cùng lớp cấp II, nhà Tuấn còn ở ngay đầu làng. Nếu thành đôi, hai bên sui gia chắc sẽ vui vẻ.
Tuấn đậm người, ít nói. Tuyến thì do đặc thù nghề nghiệp nên đi suốt. Cô mê nghề hơn mê những buổi hẹn hò, tìm hiểu lứa đôi. Bởi vậy, chỉ sau vài lần hẹn và chục câu chuyện qua về, ngày cưới đã được định xong. Ngày rước dâu, nhìn hai chữ T được cắt lồng vào nhau, xóm làng ai cũng trầm trồ, người thân trong nhà thì vui như hội. Thế nhưng, chỉ một câu nói của chồng, sau khoảng hai tuần chung sống, Tuyến đã linh cảm được ít nhiều bi kịch từ cuộc hôn nhân không phải vì tình.
Dù tính tình phóng khoáng, khi đã xác định về chung một nhà, bản năng phụ nữ vẫn thích vun vén cho tổ ấm. Tuyến bảo với Tuấn: “Bấy lâu làm nghề, em cũng dành dụm được ít tiền; giờ mình sửa sang lại nhà cửa, mua thêm ít đồ đạc, chứ nhà mình còn thiếu trước hụt sau nhiều thứ lắm. Chúng ta làm dần, để còn sinh con nữa, mình cũng lớn tuổi rồi…”. Chưa hết câu, Tuyến đã thộn người khi nghe Tuấn nói: “Em thích tô trét gì thì cứ tô cái phòng ngủ thôi, chứ sơn cả nhà rồi lại mất suất hộ nghèo. Mẹ phải đấu tranh mãi mới được đấy”.
Cuộc sống vợ chồng, khác nhau vài tiểu tiết thì còn khắc phục được, chứ trái về tư tưởng thì thật khó để hòa hợp lâu dài. Trong khi Tuyến sống bận rộn, yêu lao động và muốn vươn lên thì Tuấn chỉ giậm chân tại chỗ, thiên hướng yên thân. Xem lại đôi vé máy bay dành cho chuyến trăng mật, Tuyến vẫn chưa quên được vẻ gay gắt của chồng. Tuấn bảo, nếu không đi, mình chỉ mất ít tiền trả vé, chứ đi thì lại tốn kém thêm nhiều khoản. Đi về lại phải mua quà cho họ hàng gần xa. Mà ở làng, xưa nay chả ai đi trăng mật bao giờ, giờ mình bày ra, họ lại chê cười cho đấy. Tuyến nghe mà chỉ biết cười xót xa.
Rồi cứ thêm một tháng trôi qua, Tuyến lại càng thất vọng về chồng. Nhớ có lần, trong lúc bàn tính chuyện chi tiêu, cơm gạo hằng tháng, Tuấn bảo Tuyến, em toàn giả nghèo chứ làm nghề viết, theo anh biết là nhiều tiền lắm. Chỉ cần xách máy ảnh đến công ty này, cơ quan nọ là có vài triệu phong bì đem về. Tuyến sững người, nhưng cũng không giải thích gì thêm.
Dẫu gì cũng đạo vợ chồng. Tuyến gắng gượng kéo dài cuộc hôn nhân đầy “lỗi” cùng Tuấn, kiên nhẫn bỏ qua những ấm ức, chờ ngày hoài thai và được làm mẹ. Âu đó cũng là bản năng và sự thèm khát của mọi phụ nữ có chồng. Nhưng rồi một sự việc xảy ra khiến Tuyến dứt khoát đâm đơn ra tòa.
Tháng trước, mấy anh em trong họ nhà Tuấn cùng góp quỹ để xây lăng cụ tổ và sửa lại nhà thờ. Mỗi người đóng 10 triệu đồng. Tuấn bảo Tuyến: “Dù mình là vợ chồng, nhưng anh nghèo, nên anh đóng 2 triệu; em coi sắp xếp góp thêm 8 triệu”. Bất mãn vì câu nói và cách suy tính ấy, Tuyến cự: “Chuyện hiếu của nhà anh, em chỉ là phận dâu con. Nếu chưa đủ tiền thì mình vay mượn rồi chung sức trả, sao lại chia phần ra như thế. Em không góp gì hết”.
Tuấn đỏ mặt, phóng xe bỏ lên thị trấn, đến khuya mới về. Hôm sau, Tuấn gọi Tuyến, bảo trả lại cái nhẫn cưới, để Tuấn bán, lấy tiền góp quỹ xây lăng. Đến nước này thì Tuyến chịu. Cô nhận ra, dù muộn cũng không nên vội. Cuộc hôn nhân nào cũng cần có tình yêu và sự thấu hiểu. Muốn nuôi con tốt, gia đình cần có một người cha biết phải trái, trước sau. Cô không thể liều, đánh cược cuộc đời của con mình như vậy. Cô và Tuấn ly hôn.
***
- “Chia tay rồi, chị có buồn không?” - tôi hỏi. Tuyến cười: “Cưới nhau mà đã kịp có ngày nào vui. Chả ai buồn vì những kỷ niệm buồn cả”. Đúng vậy, người ta chỉ buồn và luyến tiếc khi đi qua những trải nghiệm thật sự tươi đẹp cùng nhau. Sống chung mà toàn giày vò, thất vọng thì ai đi đường nấy cũng là một lối mở.