Cuối hè, chị dắt con đi Phú Quốc mà không có chồng đi cùng. Hỏi chuyến đi có vui không, chị thở dài "đi vì chán chứ có vui vẻ gì đâu". Trên facebook, chị cứ như mẹ đơn thân, chẳng thấy anh đâu cả.
Hồi "xưa lơ xưa lắc", có một mùa hè cả nhà đi cùng nhau, chuyến ấy do… công ty anh tổ chức cho gia đình nhân viên. Còn lại, chỉ là những lời hứa hẹn. Chị bảo, giờ đi là mẹ con dắt nhau đi thôi, chứ không chờ thêm lời hứa nào từ anh nữa.
Nghỉ hè, gia đình người ta vui vẻ đi với nhau, còn chị lặng lẽ đăng ký tour cho hai mẹ con,. Không biết là lần thứ bao nhiêu rồi, anh hứa sẽ đưa cả nhà đi du lịch, nào là là Thái Lan, Hàn Quốc, nào là Đà Lạt, Nha Trang… Nhưng rồi nhìn tiền vé máy bay, tiền phòng, anh lại chần chừ, lần lữa.
Anh xuất thân nghèo khó, chăm chỉ cày bừa suốt hàng chục năm ròng để tích cóp, mua nhà mua đất, để dành lo cho tương lai của con. Chị luôn thương cảm, chia sẻ với anh điều này.
Đến khi nhà cửa ổn định, chị cũng có công việc thu nhập dư tiền chợ tiền điện nước hàng tháng, anh vẫn tiết kiệm như thưở hàn vi. Vẫn ăn cơm nguội vẫn xài đồ cũ, đôi giày, chiếc xe máy, quần áo…
An không quan trọng hình thức, chị nói mãi anh mới chịu mặc đồ mới, đổi cái xe đi cho phù hợp với vị trí công việc hiện tại. Còn thì mọi chi tiêu thuộc về “giải trí tinh thần” anh đều không để tâm.
Cả nhà cũng rất ít khi nào đi ăn nhà hàng. Anh nói nấu ăn tiết kiệm được bao nhiêu. “Có lần chị cho con đi ăn ngoài, bé vui thích lắm, nói phải có cha đi cùng” – chị nói.
Chị gắn bó cùng anh từ thưở hai người còn khốn khó. Nhưng chị không thể thuyết phục được anh thay đổi thói quen sinh hoạt ngay cả khi cuộc sống đã khấm khá hơn.
Lúc đầu là trò chuyện tâm tình, sau thành cãi nhau, rồi chiến tranh lạnh, đến mức hờ hững bỏ mặc. Kệ anh. Nhưng anh vẫn là giềng mối gia đình, vẫn là những vui buồn thương trách từng ngày trong lòng chị.
Anh dân kỹ thuật, tiết kiệm đến mức keo kiệt và lại khô khan, những mâu thuẫn của gia đình luôn được giải quyết bằng cách anh lẳng lặng bỏ đi. Anh không lớn tiếng với chị, nhưng vẫn không thay đổi.
Chị bảo mình là phụ nữ, lẽ ra chi tiêu thắt bóp phải là phần mình, chứ đâu mà đến phần anh lo đếm củ tỏi đong lọ đường. Nhà có dư phòng, anh chị đem cho thuê khi con gái còn nhỏ. Nay bé lớn rồi, chị muốn cho con không gian riêng mà anh không chịu: “Được chút nào hay chút đó”. Nhiều lúc chị chỉ biết kêu trời. Anh có nhiều tiền gửi ngân hàng, vẫn chắt bóp tiền cho thuê nhà, kiếm bạc lẻ.
Anh keo kiệt quá nên dòng họ bên ngoại đến thăm nhà chị cũng ngại ở lại. Có tiệc, có việc cũng chỉ đến nhiều lắm quá buổi là về. Sợ làm khó chị phải chi tiêu thêm phần cơm nước trà khách. Bởi có lần anh nói không thích mời bạn bè về nhà ăn uống, mất thời gian lại còn tốn kém. Chị không biết phải nói gì.
Chị bảo anh không phải là người bỏ bê gia đình, lúc nào cũng nghĩ cho vợ con, có hiếu với cha mẹ, không cờ bạc rượu chè gái gú. Chỉ có tính keo kiệt của anh là khiến chị mệt mỏi, thất vọng, chán nản.
Dù anh nói rằng anh dành dụm cũng chỉ để lo cho con gái sau này, nhưng cái lo của anh sao chị không thấy hạnh phúc, an lòng gì cả. “Cuộc sống này đâu phải chỉ cần có tiền” – chị bảo vậy.
Cái vòng tròn hạnh phúc anh tạo ra, ngỡ ấm êm mà làm chị nghẹt thở. Chị thở dài, chị sợ đến một lúc nào đó, nỗi chán chường trong lòng chị về một người chồng quá keo kiệt có thể lấn át cả tình yêu thương chị dành cho anh.
“Tự nhiên giờ mình thèm một bờ vai của ai đó, chỉ để cho mình tựa vào, chỉ để được cùng nhau trò chuyện, thấu hiểu. Cùng đến những nơi đẹp, nói với nhau về những điều đẹp đẽ trên đời…”
Có đêm nằm buồn, chị đã viết những dòng đầy tâm trạng lên facebook. Rồi không muốn mọi người vào hỏi thăm mà không hiểu chuyện, bây giờ đêm đêm chị buồn lại ngồi viết nhật ký.
Những trang viết buồn cứ dày thêm lên. Chỉ mong anh hiểu…