Hồi mới quen, tôi cũng vì sự ga-lăng đó mà yêu anh nhanh chóng. Tôi ngưỡng mộ con người chỉn chu, luôn hoàn thành công việc trước thời hạn và sẵn sàng giúp các bạn nữ, em gái cùng phòng.
- Tâm sự của một cô gái lấy chồng nghèo: Đàn ông nghèo tiền thì nghèo cả chí tiến thủ, nghèo cả nỗ lực, vợ khổ trăm đường vì áp lực
- Phụ nữ sau khi sinh con, muốn biết địa vị của mình ở nhà chồng ra sao, ngồi vào bàn ăn sẽ rõ
Đi ăn đi uống, tôi hân hoan biết bao khi được anh vắt từng lát chanh vào tô hủ tíu, vắt xác túi trà và nhẹ nhàng khuấy ly lipton cho tôi bằng ánh mắt ấm nồng chan chứa.
Cưới nhau sau tám tháng yêu đương, tôi không cho đó là tình cảm bồng bột, bởi tôi đã ba mươi và anh hơn tám tuổi. Nhưng sau ngày tân hôn tôi đã phải “té ghế” vì sự ga- lăng, lịch sự của người đàn ông gần ba năm quen biết và yêu thương đã biến mất.
Sáng sớm tôi phơi quần áo, dây sào hơi cao, bắc ghế thì mất công, nhưng phải nhón chân đến quá tầm tay mới tới. Chồng tôi cứ đứng trong nhà bếp nhìn ra, mặc tôi trầy trật nhón chân và quần áo rơi mấy lượt. Rồi anh bỏ vào nhà nằm khểnh xem ti vi, trong khi chén bát ăn xong vẫn còn nguyên trên bàn.
Tôi vừa từ nhà bếp bước ra thì anh bảo “ối trời, sao không dọn chén bát luôn rồi ra đây lau nhà, đi không cho uổng chuyến vậy cưng?”. Tôi… nghẹt thở nhưng vẫn nhỏ nhẹ: “Anh rửa chén giúp em nhé! Em lau nhà xong thì mình về nhà cha mẹ”.
“Cưng ơi, đây lấy vợ để vợ hầu chứ không phải hầu vợ!”. Nói vậy nhưng anh cũng dắt được cái xe ra ngõ rồi đứng huýt sáo chờ tôi.
Trong bữa cơm ngày “nhị hỉ”, anh liến thoắng gắp thức ăn hết món này tới món khác mời tất thảy mọi người trong nhà, khiến ai cũng hết lời khen tôi “có phước ba đời” mới lấy được người chồng đẹp trai, ga-lăng, lịch sự đến thế. Nhưng duy nhất một người trong bàn mà anh quên, là tôi. Có người ý tứ bảo anh gắp cho vợ, anh tỉnh bơ: “Cô ấy có tay mà!”.
Vì chúng tôi có nhà riêng nên không va chạm với bên chồng, nhưng sự vô tâm của chồng cũng làm tôi mệt mỏi và hụt hẫng không ít. Làm cùng công ty, về cùng giờ nhưng anh hiếm khi chở vợ đi cùng. Mà tôi có bao giờ về sớm được đâu, vì luôn phải ghé chợ mua con cá, mớ rau, bởi anh không ưa trữ thức ăn trong tủ lạnh.
Tôi về rồi nhưng anh vẫn chưa về. Vào nhà xong, việc đầu tiên là phải cho ăn và dọn vệ sinh mấy lồng gà tre của anh, rồi lao vào nấu nướng. Đó là “thiên chức” của người làm vợ - anh bảo thế. Anh chỉ làm mỗi việc duy nhất là soạn chén bát khi thức ăn chuẩn bị dọn lên. Sau đó mặc tôi làm gì thì làm, anh chỉ biết có cái laptop.
Sự ga-lăng, lịch sự biến mất đã đành, tôi ngán nhất là anh hay mời vài người bạn về “thưởng thức tài nấu nướng của vợ”. Họ ăn nhậu và gợi ý một lúc vài ba món, mà hễ bạn anh hê món nào lên là tôi phải lo nấu ngay món đó. Không có nguyên liệu sẵn thì phải ra chợ mua. Họ làm khách nhưng không chấp nhận món chủ nhà mời. Chồng tôi càng nhiệt tình ra oai với vợ mà quên rằng tôi cũng lao động như anh, cũng mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi.
Một lần chúng tôi đi tân gia nhà người bạn. Lúc khiêu vũ, bất chợt một cô bạn và tôi cùng bị gãy gót giày, nhưng anh nhanh chóng xách chiếc giày của cô ấy chạy sang tiệm giày bên kia đường để mua cho cô bạn một đôi khác. Còn tôi, anh bảo: “Cứ đi chân không ra tới xe, ngồi lên anh chạy về là xong, mua chi phí tiền!”. Tôi… á khẩu luôn.
Cưới nhau đã hơn một năm, anh nhiều lần nhấp nhổm bởi tôi vẫn chưa có tin vui. Anh không biết tôi đã âm thầm dùng thuốc tránh thai chứ làm sao dám sinh con với người đàn ông có đức tính như vậy. Hôm qua anh bảo, tuần sau rảnh hai đứa đi khám coi sao, chứ anh thấy anh vẫn “ngon lành” mà vợ vẫn không bầu bì gì. Tôi biết nói sao đây, chả lẽ nói rằng vì anh như thế nên tôi phải “thủ”?