Tiền sản giật là nguyên nhân của nhiều tai biến sản khoa nguy hiểm như đẻ non, thai chết lưu, nhau bong non, HELLP... đe dọa tính mạng cả thai phụ và thai nhi.
Nội dung bài viết
- Tiền sản giật là gì?
- Nguyên nhân gây ra chứng bệnh tiền sản giật
- Các triệu chứng của tiền sản giật
- Làm thế nào để biết mẹ bầu có bị tiền sản giật hay không?
- Điều trị tiền sản giật thế nào?
- Làm thế nào để ngăn ngừa chứng bệnh tiền sản giật?
Tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật là chứng bệnh nghiêm trọng trong thời kỳ mang thai, xảy ra phổ biến từ tuần thứ 20 thai kỳ. Đây là nguyên nhân của nhiều tai biến sản khoa nguy hiểm như đẻ non, thai chết lưu, nhau bong non, HELLP (hội chứng thiếu máu tán huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu) đe dọa tính mạng cả thai phụ và thai nhi. Mới đây nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có bà mẹ đau đớn mất 2 con song sinh vì chứng bệnh nguy hiểm này.
Một số triệu chứng tiền sản giật phổ biến bao gồm huyết áp cao, mức độ protein trong nước tiểu tăng... Mặc dù tiền sản giật thường gây huyết áp cao nhưng huyết áp cao trong thời gian mang thai không phải là dấu hiệu nhất nhất của chứng bệnh tiền sản giật mà có thể là dấu hiệu có một vài vấn đề khác. Tiền sản giật xảy ra ở khoảng 5-8% các ca mang thai trên toàn thế giới.
Nguyên nhân gây ra chứng bệnh tiền sản giật
Cho đến nay, các bác sĩ vẫn chưa chắc về nguyên nhân gây ra tiền sản giật. Tuy nhiên, một giả thuyết là sự mất cân bằng prostaglandin - chất giúp thư giãn và co bóp các cơ trơn khiến các mạch máu co lại trong quá trình mang thai.
Những sản phụ nào dễ bị tiền sản giật?
- Người lần đầu mang thai
- Người từng bị cao huyết áp và tiền sản giật trong những lần mang thai trước
- Phụ nữ có mẹ từng bị tiền sản giật
- Phụ nữ mang thai nhiều lần
- Sản phụ dưới 20 tuổi và trên 40 tuổi
- Phụ nữ bị huyết áp cao hoặc bệnh thận khi mang thai
- Phụ nữ béo phì hoặc có chỉ số BMI trên 30.
Các triệu chứng của tiền sản giật
- Tiền sản giật nhẹ: huyết áp cao, sưng phù, protein trong nước tiểu.
- Tiền sản giật nặng: Nhức đầu, thị lực mờ, mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói, tiểu nhiều, đau vùng bụng bên phải, thở dốc và dễ bị bầm tím trên da.
- Trong trường hợp nặng, người mẹ cần liên hệ với bác sĩ ngay khi nhận thấy dấu hiệu giảm tầm nhìn, mờ mắt, đau đầu nghiêm trọng, đau bụng hoặc đi tiểu liên tục.
Làm thế nào để biết mẹ bầu có bị tiền sản giật hay không?
Mỗi lần đi khám thai, bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp, nồng độ nước tiểu và yêu cầu làm xét nghiệm máu,… sẽ giúp phát hiện sớm chứng bệnh tiền sản giật.
Bác sĩ của bạn cũng có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm khác bao gồm: kiểm tra chức năng thận, xét nghiệm máu, siêu âm xem sự phát triển của thai nhi và đo lưu lượng máu đến nhau thai.
Điều trị tiền sản giật thế nào?
Tiền sản giật sẽ khỏi sau em bé chào đời. Nếu huyết áp bà bầu quá cao có thể ảnh hưởng sức khoẻ mẹ hay bé, sinh mổ sớm là giải pháp chọn lựa. Nếu thai chưa đủ trưởng thành, mẹ sẽ được chỉ định dùng thêm steroid để thúc đẩy phổi thai nhi phát triển hơn. Thỉnh thoảng dùng thuốc điều trị tăng huyết áp cũng giúp kéo dài thời gian bé ở trong bụng mẹ càng lâu càng tốt.
Nếu huyết áp chỉ tăng nhẹ hoặc trung bình, bà bầu sẽ được kê toa uống các thuốc hạ áp và đo huyết áp mỗi ngày. Các bà bầu có thể tự đo huyết áp bằng các máy đo cầm tay tự động. Yếu tố chính trong kiểm soát tiền sản giật là theo dõi huyết áp bà bầu và nhịp tim của thai. Nghỉ ngơi trên giường và giảm hoạt động thể chất có thể giúp giảm huyết áp về mức bình thường. Luôn theo dõi sát để đảm bảo tiền sản giật không phát triển thành sản giật.
Làm thế nào để ngăn ngừa chứng bệnh tiền sản giật?
Hiện nay không có cách nào chắc chắn ngăn ngừa được chứng tiền sản giật, Tuy nhiên có một số yếu tố góp phần làm giảm sự gia tăng huyết áp. Vì vậy mẹ bầu nên thực hiện theo các lời khuyên của chuyên gia với chế độ ăn uống hợp lý và tập thẻ thao điều độ:
- Sử dụng ít hoặc không nêm muối trong các bữa ăn
- Uống 2-3 lít nước mỗi ngày.
- Không ăn nhiều thực phẩm chiên rán, đồ ăn vặt
- Nghỉ ngơi đầy đủ
- Luyện tập thể thao
- Nâng cao chân khi nằm hoặc ngồi
- Tránh uống rượu
- Tránh đồ uống chứa caffeine
Tóm lại, trên đây là thông tin chi tiết về chứng tiền sản giật ở mẹ bầu. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích tới quý bạn đọc nhé!