Virus nguy hiểm hơn Covid-19 bùng phát tại Ấn Độ, nguy cơ trở thành đại dịch toàn cầu: Chưa có vaccine, thuốc chữa

Sức khỏe 14/09/2021 10:45

Virus Nipah đã khiến một bé trai tử vong, nhiều ca nhiễm mới cũng được ghi nhận. Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cảnh báo rằng, virus Nipah có thể trở thành mối đe dọa với thế giới giống Covid-19.

Theo Dân trí, hiện thời, virus Nipah đang gây ra một đợt bùng dịch ở bang Kerala, Ấn Độ, khiến quốc gia Nam Á đang đẩy mạnh các nỗ lực truy vết, ngăn chặn mầm bệnh. Nipah là virus có trên loài dơi hoa quả và có thể lây lan sang con người, cũng như lây từ người sang người. 

VOV cho biết, một cậu bé 12 tuổi ở Kerala, một bang ở miền Nam của Ấn Độ đã chết một cách thương tâm sau khi nhiễm virus Nipah sau khi nằm viện khoảng 1 tuần. Ban đầu, cậu bé được nhập viện vì sốt cao nhưng tình trạng ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi cậu bé bắt đầu có dấu hiệu viêm não. Khi xét nghiệm các mẫu máu được gửi đến Viện virus học Quốc gia, kết quả cho thấy sự xuất hiện của virus nipah, ngay lập tức các quan chức cho biết rằng họ phải nhanh chóng hành động để ngăn chặn việc để virus lây lan thêm. Các nỗ lực theo dõi dấu vết đang được tiến hành để cách ly những ca nhiễm. Cậu bé đã tiếp xúc tổng cộng 188 người, 20 người trong số đó là những người có nguy cơ cao. Washington Post sau đó đưa tin, có ít nhất 2 nhân viên y tế đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Nipah.

Sputnik đưa tin, mặc dù tỷ lệ lây lan trung bình từ người sang người của virus Nipah hiện không quá cao, nhưng giáo sư bệnh truyền nhiễm Stephen Luby từ đại học Stanford (Mỹ) cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn của mầm bệnh trong tương lai.

Ông Luby nói, thỉnh thoảng sẽ có những ca bệnh siêu lây nhiễm khi một người mang virus Nipah lây lan cho nhiều người, nhưng về cơ bản virus này có tỷ lệ lây nhiễm trung bình "ít hơn mức một người trên một ca bệnh".

"Mặc dù vậy, mỗi lần một người bị nhiễm Nipah, virus này sẽ có cơ hội xâm nhập vào một môi trường mới và tìm cách thích nghi với cơ thể con người. Điều này có thể châm ngòi cho sự xuất hiện của một chủng Nipah mới có khả năng lây nhiễm giữa người với người cao hơn và có thể gây ra đại dịch", ông Luby cảnh báo.

Virus Nipah có thể không lây truyền như Covid-19, nhưng ghi nhận các đợt bùng phát trước đây cho thấy tốc độ virus lây lan giữa người với người vẫn là tương đối nhanh. Đồng thời, hiện chưa có vaccine chống lại virus Nipah cũng như chưa có thuốc đặc trị có những bệnh nhân nhiễm virus. Mọi người chỉ có thể thực hiện giãn cách, sử dụng khẩu trang, vệ sinh tay và khử trùng bề mặt, tờ Forbes cho biết.

Virus nguy hiểm hơn Covid-19 bùng phát tại Ấn Độ, nguy cơ trở thành đại dịch toàn cầu: Chưa có vaccine, thuốc chữa - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

 Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tỷ lệ tử vong của các trường hợp nhiễm virus Nipah là từ 40-75%, tùy thuộc vào đặc điểm của đợt bùng dịch. Ông Luby nhận định rằng, với tỷ lệ tử vong cao như vậy, Nipah có thể trở thành một trong những đại dịch tồi tệ của thế giới nếu nó lây lan mạnh mẽ.

Theo VOV, virus Nipah được phát hiện lần đầu tiên ở Malaysia vào năm 1999 trong một đợt bùng phát dịch bệnh ở những người chăn nuôi lợn. Kể từ đó, có nhiều đợt bùng phát ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á, khiến hơn 260 người tử vong.

Một đợt bùng phát dịch bệnh ở Bangladesh năm 2004 liên quan đến việc người mắc bệnh sử dụng nhựa cây chà là chứa virus Nipah từ những con dơi ăn quả bị nhiễm bệnh. Đợt bùng phát cuối cùng ở Ấn Độ vào năm 2018 tại bang Kerala đã khiến 17 người trong số 18 người nhiễm virus tử vong. Những ca lây nhiễm đều liên quan tới những con dơi ăn quả được tìm thấy đã chết trong giếng nước của một gia đình.

Các triệu chứng bao gồm sốt, ho, đau họng, chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn và viêm não. Thời gian ủ bệnh của Nipah thông thường dao động từ 4 ngày đến 14 ngày, nhưng đến nay cũng đã ghi nhận trường hợp mà thời gian ủ bệnh dài nhất là 45 ngày.

Bác sĩ cảnh báo: F0 khỏi Covid-19 có khả năng tái nhiễm nhiều lần, trở thành trung gian 'mang virus đi khắp nơi'

Theo các bác sĩ, một người đã từng nhiễm và khỏi bệnh sau khi mắc Covid-19 thì vẫn hoàn toàn có khả năng nhiễm lại, tuyệt đối không nên chủ quan.

TIN MỚI NHẤT