PGĐ BV K bức xúc trước thông tin chùa Ba Vàng cúng vong để chữa bệnh, nếu cúng lễ mà khỏi thì không ai cần đi viện nữa.
Những ngày qua, phóng sự phản ánh chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh) tuyên truyền về cái được gọi là thỉnh pháp “oan gia trái chủ” đang gây xôn xao dư luận. Theo lý giải của ngôi chùa này, mọi bệnh tật, xui xẻo trong cuộc sống đều do oan hồn gây ra. Muốn hết, muốn khỏi phải cúng vong, phải cúng dường, phải công đức.
Trên các mạng xã hội, website cá nhân của đại đức Thích Trúc Thái Minh trụ trì và bà Phạm Thị Yến, một phật tử tại chùa Ba Vàng đã phát đi nhiều clip cho rằng Kuman Thong (một loại ma quỷ thai nhi xuất phát từ Thái Lan) là có thật.
Không những thế, thông qua cái gọi là thỉnh pháp “oan gia trái chủ”, có thể chữa khỏi nhiều loại bệnh tật từ mãn tính đến nan y như ung thư, viêm họng, đau lưng, dị ứng...
Tuy nhiên, để chữa khỏi công đức, như đau xương khớp do 4 kiếp trước hay giết mèo nên kiếp này bị vong mèo theo báo oán cho đau nhức toàn thân. Muốn khỏi thì phải tu tập ít nhất 49 ngày kèm công đức 3 triệu đồng.
Bị ung thư vú, 42 kiếp trước không chăm sóc em gái, lại làm nhiều việc ác như cướp đất nên kiếp này, vong về oán cho phải bệnh. Muốn khỏi, phải đóng vào chùa 7,1 triệu đồng...
Kiểu chữa bệnh rất phản khoa học này đã được “người nhà chùa” Ba Vàng rao giảng, tuyên truyền cho rất nhiều người dân.
Mới nhất, trong buổi pháp thoại chiều 21/3, trụ trì chùa Ba Vàng là đại đức Thích Trúc Thái Minh cũng đã mời rất nhiều bệnh nhân lên chia sẻ về quá trình bệnh tật của mình, không ít người tin rằng mình đã khỏi bệnh sau khi thỉnh “oan gia trái chủ”.
Trước những thông tin trên, PGS.TS Lê Văn Quảng, Phó giám đốc BV K nhấn mạnh,, không thể chấp nhận việc tuyên truyền cúng bái, lễ lạt có thể khỏi bệnh.
“Có bệnh phải vái tứ phương thật nhưng chữa bệnh phải có căn cứ khoa học. Nếu cúng lễ mà khỏi bệnh thì không ai đến đến bệnh viện điều trị nữa”, PGS Quảng nêu quan điểm.
Theo PGS Quảng, BV cũng đã gặp không ít các trường hợp bị ung thư, đang điều trị nhưng rồi bỏ ngang đề về nhà cúng bái, điều trị thuốc nam. Đến khi bệnh trở nặng, quay lại đã quá muộn, lúc đó bác sĩ chỉ có thể điều trị giảm nhẹ triệu chứng.
Với riêng bệnh nhân ung thư, PGS Quảng nhấn mạnh cần điều trị theo đúng phác đồ với các phương pháp khoa học đã được chứng minh như phẫu thuật, hoá trị, xạ trị, điều trị nhắm trúng đích...
PGS Quảng cho rằng, việc người bệnh, người nhà tiếp cận đạo phật chính pháp để suy nghĩ được minh mẫn, tâm hồn được thanh tịnh, suy nghĩ tích cực là điều không ai phản đối nhưng không nên tin theo thái quá dẫn đến bỏ lỡ cơ hội điều trị.
Trước thông tin một số bệnh nhân ung thư cho rằng mình đã khỏi bệnh sau khi thỉnh “oan gia trái chủ”, PGS Quảng cho rằng thông tin này cần xem xét kĩ càng, kiểm tra lại xem bệnh nhân chẩn đoán ung thư ở đâu vì thực tế vẫn có những sai số, có những chẩn đoán không chính xác.
“Chẩn đoán ung thư cần có nhiều phương pháp kết hợp. Ngay như BV chúng tôi, có trường hợp ban đầu chẩn đoán ung thư nhưng 1-2 tiếng sau khi xem xét thêm nhiều xét nghiệm khác thì ra bệnh khác. Có thể có nhiều trường hợp bệnh nhân mới xem chẩn đoán ban đầu, sau bỏ về tự điều trị khỏi nên nghĩ đã khỏi ung thư nhưng thực tế ban đầu bị bệnh khác, PGS Quảng giải thích.
Dẫn câu chuyện từng chứng kiến, PGS Quảng cho biết, trước đây có người họ hàng được chẩn đoán đái tháo đường, gia đình cũng tìm thầy làm lễ.
“Trước khi cúng, cậu con trai doạ thầy ‘nếu không khỏi thì đến đốt nhà’, thầy sợ quá nên từ chối không cúng nữa và ra về ngay”, PGS Quảng kể lại.
Tại BV Tâm thần TƯ, PGS Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc BV cũng cho biết, tại đây từng tiếp nhận trở lại rất nhiều bệnh nhân bị tâm thần, đang điều trị rồi bỏ giữa chừng về cúng bái, làm lễ. Khi đến BV, bệnh nhân đều nặng hơn.
Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp bệnh nhân đến viện nói thường xuyên bị “ma nhập”, bị “điều khiển” nhưng sau đó nhờ phác đồ điều trị khoa học, bệnh nhân đã khoẻ mạnh trở lại.