Đừng đợi đến khi ung thư “gõ cửa” thì mới cuống cuồng đi điều trị, ngay từ bây giờ bạn nên tăng cường hệ miễn dịch khỏe mạnh để tự bảo vệ sức khỏe của bản thân.
- 4 dấu hiệu cảnh báo bạn cần tập thể dục nhiều hơn
- Một nhân viên điều dưỡng tại Bệnh viện Bắc Thăng Long (Hà Nội) đã có kết quả dương tính SARS-CoV-2; TP.HCM ghi thêm 544 ca nhiễm mới...
Ung thư là căn bệnh mà ai cũng phải khiếp sợ, nó không chỉ gây ra những tổn thương về thể chất mà còn tác động rất lớn đến tinh thần người bệnh lẫn gia đình bệnh nhân. Mặc dù khả năng điều trị ung thư hiện nay đã tiến triển rất nhiều, nhưng muốn chữa khỏi hoàn toàn cần phụ thuộc vào việc có được phát hiện sớm hay không. Vậy thì chúng ta cần làm gì để tăng cường hệ miễn dịch, chủ động phòng tránh ung thư?
Có rất nhiều cách để tăng cường hệ miễn dịch, chẳng hạn như dựa vào việc tập luyện thể dục thể thao, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi phù hợp… Đặc biệt, những người có hệ miễn dịch mạnh có thể sẽ tránh xa được ung thư rất nhiều. Sau đây là 5 nguyên tắc bạn nên áp dụng để tăng cường hệ miễn dịch cho bản thân.
5 thói quen giúp tăng cường hệ miễn dịch, từ đó chống bệnh ung thư
1. Cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi
Chìa khóa để có một thể lực tốt và luôn khỏe mạnh chính là cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi. Chỉ khi ngủ đủ giấc thì các cơ quan và mô mới được phục hồi lại trạng thái bình thường, tái tạo lại những phần bị tổn thương.
Thức khuya là một trong những yếu tố có liên quan mật thiết tới việc hình thành các tế bào ung thư. Thức khuya sẽ ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa của gan, khiến chất độc tích tụ lại càng nhiều, theo thời gian sẽ xâm lấn sang những cơ quan khác và có thể gây ung thư. Hơn nữa, thức khuya cũng làm rối loạn đồng hồ sinh học, làm giảm chức năng của hệ miễn dịch, tổn thương đến các gen khỏe mạnh, từ đó làm cơ thể suy yếu.
2. Tập thể dục điều độ
Tập thể dục không chỉ giúp cơ thể có một vóc dáng đẹp mà cải thiện khả năng miễn dịch, thúc đẩy lưu thông máu, giải độc, giảm căng thẳng. Điều cần chú ý là mọi người nên tập từ từ để cơ thể thích nghi dần, không vội tập các động tác khó và nặng, như thế chỉ mang lại gánh nặng cho thận và khiến cơ thể nhức mỏi.
3. Chế độ ăn uống lành mạnh
"Họa từ miệng mà ra, bệnh từ miệng mà vào", rất nhiều căn bệnh ung thư có liên quan mật thiết đến những gì chúng ta ăn uống mỗi ngày. Ngày nay, con người có xu hướng thích ăn các món chứa nhiều gia vị như thịt nướng, thức ăn nhanh, đồ chiên rán, đồ hộp… Mặc dù những món ăn này rất ngon, có thể làm thỏa mãn khẩu vị của bản thân, nhưng nếu duy trì lâu dài sẽ làm tổn thương nghiêm trọng đến tính đàn hồi của mạch máu. Lúc này, máu sẽ trở nên nhớt hơn, các cục máu đông xuất hiện sẽ làm tắc nghẽn mạch máu, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và mạch máu não.
Đặc biệt trong đồ chiên rán, đồ nướng chứa nhiều chất phụ gia và chất gây ung thư, cần hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm này.
4. Không hút thuốc và uống rượu
Trong thuốc lá có chứa rất nhiều chất độc gây ung thư, khiến các gốc tự do trong cơ thể sản sinh ra nhiều, làm suy yếu sức đề kháng của con người, từ đó làm tăng khả năng nhiễm virut, vi khuẩn.
Trong số hơn 4.000 loại hóa chất được tìm thấy trong khói thuốc lá, có hơn 60 loại là chất gây ung thư. Đặc biệt, có 11 loại cực kỳ độc hại với cơ thể người như: benzen, kim loại nặng, crom, cadmium, berili, niken, 2-naphtylamin và 4-aminobiphenyl, vinyl clorua, nitrosamine, polonium-210, ethylene oxide.
Chúng ta thường nghĩ rằng, hút thuốc sẽ gây ung thư phổi nhưng nó còn có liên quan đến ung thư miệng, cổ họng, bàng quang, dạ dày, ruột và mạch máu.
Bên cạnh đó, rượu bia cũng không có lợi cho sức khỏe, bởi thành phần chính của rượu bia là ethanol. Ethanol khi chuyển hóa qua gan có thể tạo thành acetaldehyde, gây nguy cơ ung thư gan cao.
5. Suy nghĩ lạc quan
Khi phát hiện mình bị ung thư, hầu hết ai cũng đều rất bi quan, suy nhược tinh thần, họ thường tức giận và buồn phiền trong thời gian dài. Những hành vi này sẽ khiến cơ thể tiết ra một lượng lớn chất độc, ảnh hưởng đến toàn bộ các cơ quan của cơ thể.
Cảm xúc tiêu cực xuất hiện liên tục còn làm suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể, từ đó tạo điều kiện cho các tế bào ung thư dễ dàng sản sinh ra nhiều hơn và xâm lấn nhanh vào các cơ quan khác, phát triển thành khối u ác tính.
Các nhà nghiên cứu khám phá những tác động của suy nghĩ tích cực và lạc quan đối với sức khỏe. Những lợi ích sức khỏe mà suy nghĩ tích cực có thể mang lại bao gồm:
- Tăng tuổi thọ.
- Giảm tỷ lệ trầm cảm.
- Khả năng chống lại cảm lạnh tốt.
- Sức khỏe tâm tâm lý và thể chất tốt.
- Bảo vệ sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ tử vong.
Tóm lại, muốn có một cơ thể khỏe mạnh để chống lại bệnh ung thư, bạn cần tuân thủ các nguyên tắc tăng cường hệ miễn dịch ở trên trong thời gian dài.