Người thuộc nhóm tuổi nào dễ mắc bệnh nặng do virus RSV?

Sức khỏe 07/04/2023 11:00

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, virus RSV thường bùng phát mạnh vào mùa đông xuân và khi thời tiết chuyển từ mùa xuân sang hè.

Theo thông tin từ Tin tức thông tấn xã Việt Nam, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, virus RSV là căn nguyên hàng đầu gây bệnh ở trẻ nhỏ và gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở mọi nhóm tuổi. Bệnh do virus RSV thường bùng phát mạnh vào mùa đông xuân và khi thời tiết chuyển từ mùa xuân sang hè.

Người nhiễm virus RSV có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ giống cảm lạnh đến các biểu hiện của nhiễm trùng đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, cơn hen kịch phát và thở khò khè do virus. Đặc biệt, ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, virus RSV có thể gây ra viêm tiểu phế quản nặng và có thể dẫn tới tử vong. Ở trẻ lớn hơn và người lớn không mắc bệnh lý nền hay các yếu tố nguy cơ, virus RSV thường gây nhiễm trùng đường hô hấp trên lặp đi lặp lại.

Người thuộc nhóm tuổi nào dễ mắc bệnh nặng do virus RSV? - Ảnh 1
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, virus RSV có thể gây ra viêm tiểu phế quản nặng và có thể dẫn tới tử vong - Ảnh: Tin tức thông tấn xã Việt Nam

Bên cạnh đó, virus RSV cũng là tác nhân gây bệnh quan trọng ở người lớn tuổi, làm tăng tỷ lệ nhập viện ở những người trên 65 tuổi và tăng tỷ lệ tử vong ở người già yếu.

Theo đó, các đối tượng nhiễm RSV có nguy cơ bệnh tiến triển nặng gồm:

- Trẻ sinh non.

- Trẻ sơ sinh (dưới 6 tháng tuổi).

- Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi mắc bệnh tim hoặc phổi bẩm sinh.

- Trẻ em bị suy giảm hệ miễn dịch.

- Người cao tuổi, đặc biệt là người từ 65 tuổi trở lên.

- Người bị hen suyễn, suy tim sung huyết, mắc bệnh lý hô hấp mạn tính, đặc biệt là bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

- Người bị suy giảm miễn dịch, người ghép tạng, ung thư máu hoặc HIV/AIDS.

Bệnh do virus RSV có thể gây ra các biến chứng như: Viêm phổi, viêm tai giữa, bệnh hen suyễn; và một số biến chứng nghiêm trọng, nguy hiểm khác về đường hô hấp như: Suy phổi, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, ứ khí phổi…

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với nhiễm trùng do RSV, các biện pháp điều trị vẫn chủ yếu là điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ và điều trị các biến chứng (nếu có).

Người thuộc nhóm tuổi nào dễ mắc bệnh nặng do virus RSV? - Ảnh 2
Trẻ bị nhiễm có thể không có triệu chứng trong 2 - 8 ngày sau khi nhiễm - Ảnh minh họa: Internet

Theo thông tin từ báo Pháp luật và Xã hội, để phòng tránh lây nhiễm virus RSV, BSCKI Nghiêm Thị Mai Sang, Phó khoa Nhi và Đơn nguyên sơ sinh, BV Thanh Nhàn, đưa ra khuyến cáo như, hợp bào hô hấp cần phải giảm tiếp xúc, tạo môi trường sạch sẽ cho trẻ, bởi virus bám dính và sinh sống trên các bề mặt khá lâu; Tránh cho trẻ tiếp xúc với các bé đang có biểu hiện ho, khò khè; Những trẻ bị suy giảm miễn dịch thì có thể tiêm kháng thể đơn dòng để tăng hệ miễn dịch; với trẻ nhỏ, đặc biệt dưới 6 tháng tuổi có các biểu hiện ho, sốt, thở khò khè… cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán bệnh kịp thời.

Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo cha mẹ nên bổ sung thêm một số thực phẩm hỗ trợ có chứa thành phần lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... Bổ sung các dưỡng chất hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm phế quản, cảm cúm. Cha mẹ cũng cần chú ý giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát; vệ sinh mũi họng, thân thể, rửa tay cho trẻ thường xuyên. Khi trẻ ra ngoài, cần cho đeo khẩu trang, giữ ấm, tránh tiếp xúc với người bị ốm.

 

Trẻ bị nhiễm có thể không có triệu chứng trong 2 - 8 ngày sau khi nhiễm. Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh và khiến bệnh trở nặng: Trẻ đẻ non, cân nặng khi sinh thấp, trẻ dưới 3 tháng tuổi; trẻ có bệnh tim bẩm sinh có tăng áp lực động mạch phổi. Hay bệnh nhân mắc bệnh phổi mãn tính: Loạn sản phế quản phổi, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, suy dinh dưỡng nặng, trẻ bị bệnh lý thần kinh cơ. Vì vậy, từ khi mang thai, cần chăm sóc bà mẹ, để đảm bảo trẻ sinh ra đủ tháng, đủ cân và khỏe mạnh. Các bà mẹ cho trẻ bú sớm, ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, kéo dài đến 2 tuổi; cho ăn dặm đúng phương pháp đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng.

Vụ ô tô tông liên hoàn ở Hà Nội: Một bệnh nhân 28 tuổi tiên lượng xấu, đa chấn thương rất khó phục hồi

Bệnh nhân đã được các bác sĩ, bệnh viện nỗ lực cứu chữa. Tuy nhiên, bệnh nhân bị các chấn thương rất nặng: sọ não, xuất huyết dưới nhện, chảy máu não thất, chấn thương ngực kín, tràn khí màng phổi,…

TIN MỚI NHẤT