Người mắc căn bệnh này không những giữ lại những món đồ cũ của mình, mà còn đi xin những đồ không dùng của người khác mang về cất kỹ với tâm lý "lúc nào cần đến thì có cái mà xài".
- Vì sao ăn dưa chuột không nên gọt vỏ và phải “chà chà” hai đầu? Nhiều người biết rồi nhưng vẫn làm sai ở một điểm này
- "1 đỏ, 2 hôi, 3 đau” là dấu hiệu điển hình của căn bệnh ung thư đáng sợ mỗi năm "giết chết" 700 nghìn người trên thế giới
Chắc hẳn đã hơn một lần bạn phải ngạc nhiên khi bắt gặp một người rất thích tích trữ đồ dùng. Họ không những giữ lại những món đồ cũ của mình, mà còn đi xin những đồ không dùng của người khác mang về "cất kỹ" với tâm lý "lúc nào cần đến thì có cái mà xài".
Đối với nhiều người, đây là hành vi bình thường, nhưng các nhà tâm lý học lại xem đó là một chứng bệnh gọi là hội chứng rối loạn tích trữ.
Rối loạn tích trữ là gì?
Đây là căn bệnh miêu tả một ai đó thường xuyên tích trữ một lượng lớn các đồ vật ít hoặc không có giá trị một cách lộn xộn. Nhưng thông thường thì người mắc hội chứng này sẽ chỉ lưu giữ những vật phẩm đã cũ, không còn sử dụng nữa như quần áo cũ, cho đến tạp chí cũ, giấy gói thực phẩm và cả đồ trang sức thời thơ ấu… Thậm chí, vì "tiếc của" họ còn lấy cả khăn ướt, muỗng nhựa của nhà hàng về nhà dù họ chưa chắc đã cần dùng đến chúng. Một số người còn nghiện "sưu tầm" các con vật.
Điều này dẫn đến tình trạng nơi sống của những người mắc hội chứng rối loạn tích trữ trở nên bừa bộn, và một số phòng bỗng dưng biến thành nhà kho chuyên để những đồ linh tinh.
Nguyên nhân gây nên hội chứng rối loạn tích trữ
Theo tiến sĩ Charlene Chu, trợ lý giáo sư tại Đại học Chapman ở Orange, California (Mỹ), hội chứng rối loạn tích trữ xuất phát từ tâm lý sở hữu, chủ yếu là để thỏa mãn cảm giác "nó là của tôi".
"Các bệnh nhân mắc chứng rối loạn tích trữ thể hiện tính đa cảm, trong đó sở hữu được coi là một phần của bản thân họ. Và việc họ tích trữ đồ vật được xem là một hành vi nhằm thỏa mãn tâm lý sở hữu, cũng như là cách để họ tìm thấy vị trí và bản thân mình", tiến sĩ Chu chia sẻ.
Triệu chứng của hội chứng rối loạn tích trữ
Những người mắc chứng rối loạn tích trữ có thể cảm thấy khó khăn hoặc căng thẳng khi phải vứt bỏ những món đồ mà người khác coi là vô giá trị hoặc ít giá trị. Do đó, họ lựa chọn tích trữ, và theo thời gian nơi sinh sống của họ, trong mắt của người khác, trông không khác gì bãi rác.
Ngoài việc tích trữ đồ đạc, vật nuôi, những người mắc phải hội chứng này còn có tâm lý nghi ngờ người khác chạm vào đồ của mình, kiểm tra thùng rác để tìm những cái gì có thể giữ lại được trước khi bỏ rác, cảm thấy có trách nhiệm với đồ vật, và đôi khi nghĩ về những đồ vật vô tri vô giác như có cảm xúc.
Vì thế, những người mắc hội chứng rối loạn tích trữ thường là những người: Thiếu quyết đoán, vô tổ chức, mất tập trung, hay trì hoãn. Và thông thường, các triệu chứng rối loạn tích trữ sẽ bắt đầu trong những năm đầu tuổi thiếu niên ở độ tuổi trung bình khởi phát là 13 tuổi.
Cách điều trị chứng rối loạn tích trữ
Mặc dù rối loạn tích trữ ảnh hưởng đến 2 - 6% dân số nhưng nhiều người bệnh không tìm cách điều trị. Tiến sĩ Gregory Chasson, phó giáo sư tâm lý học lâm sàng công tác tại Viện Công nghệ Illinois ở Chicago (Mỹ), cho biết: "Cảm giác mâu thuẫn trong quá trình điều trị là chuyện hết sức bình thường, nhưng vượt qua được cảm giác này lại là một việc khó khăn đối với người bệnh. Nghiên cứu khảo sát cho thấy có đến 85% bệnh nhân mắc chứng rối loạn tích trữ thừa nhận họ cần được điều trị, nhưng chỉ khoảng một nửa trong số họ kiên trì đến cùng".
Tiến sĩ Chu đưa ra lời khuyên rằng nên áp dụng ngay chính tâm lý sở hữu để khuyến khích bệnh nhân loại bỏ dần "tài sản" của mình. "Những người mắc chứng rối loạn tích trữ thường có tâm lý sở hữu mạnh mẽ. Mọi nỗ lực làm giảm quyền sở hữu ấy đều khiến cho người bệnh bất hợp tác. Song, nếu áp dụng những phương pháp mở rộng quyền sở hữu, giúp người bệnh cảm thấy như mình vẫn đang sở hữu món đồ đó ngay cả khi nó đã được bỏ đi thì chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao. Chẳng hạn như chụp ảnh các đồ vật đó trước khi xử lý", Tiến sĩ Chu chia sẻ.