Ung thư vú là một căn bệnh ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ. Đây là căn bệnh ung thư có tỷ lệ mắc bệnh và gây tử vong hàng đầu ở nữ giới.
- Rút điện thoại đang sạc, bé trai 7 tuổi bị bỏng tay nặng, sưng nề, phỏng nước, phải nhập viện cấp cứu
- Chồng qua đời, người phụ nữ ở Hà Nội rơi vào trầm cảm, muốn tự tử vì không muốn thành gánh nặng cho con cái
Theo Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, ung thư vú là loại ung thư phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở nữ giới hiện nay. Điều đáng lo lại là bệnh đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, nhưng nhiều chị em lại không hề biết đến các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú để chủ động chăm sóc sức khỏe, thăm khám và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm.
Ung thư vú là bệnh gì?
Ung thư vú (breast cancer) là tình trạng bệnh lý do các tế bào ở vú phát triển không kiểm soát, tạo ra khối u ác tính. Các tế bào ung thư có thể lan rộng ra toàn bộ vú và di căn sang các bộ phận khác trên cơ thể.
Theo thống kê của Globocan năm 2020, tỷ lệ mắc ung thư vú trên toàn cầu ở nữ giới là 24.5%, cao nhất trong số các loại ung thư ở phụ nữ. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 21.555 ca mắc mới và hơn 9.315 người tử vong do ung thư vú.
Nguyên nhân ung thư vú
Cho đến nay, nguyên nhân gây ung thư vú vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các chuyên gia đã biết được ung thư vú thường bắt đầu từ các tế bào trong ống dẫn sữa (ung thư biểu mô ống tuyến vú xâm lấn). Nguyên nhân gây ung thư vú cũng có thể bắt đầu trong mô tuyến hay còn gọi là tiểu thùy (ung thư biểu mô tiểu thùy tuyến vú xâm lấn) hoặc trong tế bào hay mô khác nằm bên trong vú.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã xác định các yếu tố nội tiết, lối sống và môi trường có thể làm tăng hoặc thúc đẩy sự phát triển ung thư vú. Nhưng cũng có nhiều trường hợp không có yếu tố rủi ro lại mắc ung thư vú, trong khi những đối tượng khác có yếu tố rủi ro lại không mắc bệnh. Điều này cho thấy, có khả năng ung thư vú được gây ra bởi sự tương tác phức tạp giữa cấu trúc di truyền và môi trường sống.
Ước tính có khoảng 5 – 10% ca ung thư vú có liên quan đến đột biến gene, được di truyền qua nhiều thế hệ trong gia đình. Gen đột biến di truyền có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú được xác định là gene 1 (BRCA1) và gene 2 (BRCA2).
Tại sao ung thư vú ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới?
Theo Viện Y học ứng dụng Việt Nam, có hai lý do tại sao ung thư vú phổ biến ở nữ giới hơn nam giới.
Hầu hết các bệnh ung thư vú có nguồn gốc bắt đầu từ các ống dẫn sữa và các tiểu thùy, các cấu trúc có chứa các tuyến sản xuất sữa. Mô vú của cả nam và nữ đều bao gồm một vài ống dẫn dưới núm vú và quầng vú cho đến tuổi dậy thì.
Trong tuổi dậy thì, phụ nữ gia tăng nồng độ một số hormone khiến các ống dẫn này phát triển và hình thành các tiểu thùy. Trong khi nam giới có mức hormone này thấp hơn, và các mô vú không phát triển nhiều. Mặc dù ngực nam giới có các ống dẫn, nhưng chúng chỉ có một vài tiểu thùy và chủ yếu bao gồm các mô mỡ.
Càng nhiều tế bào phân chia, càng có nhiều khả năng ung thư xảy ra. Các tế bào vú phát triển và phân chia như một phản ứng đối với hormone estrogen mà nữ giới thường sản xuất nhiều hơn nam giới. Chuyên gia lưu ý rằng các tế bào vú ở phụ nữ hoạt động mạnh và dễ tiếp thu với estrogen, trong khi các tế bào vú ở nam giới không hoạt động và không tiếp xúc với mức độ estrogen cao.
9 yếu tố nguy cơ gây ung thư vú ở nữ giới
Theo Bệnh viện Đa khoa VinMec, dưới đây là 9 yếu tố nguy cơ gây ung thư vú ở nữ giới cần lưu ý.
1. Giới tính, tuổi tác
Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao gấp 100 lần ở nam giới và thường gặp ở độ tuổi từ 40 đến 60 tuổi.
2. Gen
Có khoảng 5-10% bệnh nhân ung thư vú có đột biến gen. Các đột biến gen thường gặp như:
Gen BRCA1 nằm trên nhiễm sắc thể 17 và gen BRCA2 nằm trên nhiễm sắc thể thứ 13. Bình thường, 2 gen này có vai trò sửa chữa ADN hình thành tế bào, đột biến gen BRCA1 và 2 dẫn đến sự phát triển các dòng tế bào bất thường từ đó dẫn đến ung thư. Những người mang đột biến 2 gen này thường có nguy cơ mắc ung thư vú ở tuổi trẻ, ung thư vú cả hai bên cũng như có nguy cơ cao phát triển thêm các loại ung thư khác đặc biệt là ung thư buồng trứng.
Các đột biến gen khác như đột biến gen ATM, TP53, PTEN, CDH1, STK11, PALB2 là các đột biến hiếm, có thể gặp trong ung thư vú.
Hiện nay, xét nghiệm gen có thể phát hiện được các đột biến gen BRCA1 và BRCA2 , TP53 giúp tiên lượng, sàng lọc các bệnh ung thư vú.
3. Di truyền
Khoảng 15% phụ nữ mắc ung thư vú có tiền sử gia đình có người bị ung thư vú trước đó. Nếu trong gia đình có một người bị ung thư vú ( mẹ, dì, chị em gái ruột) thì nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp đôi. Có hai người bị bệnh ung thư vú nguy cơ sẽ tăng gấp 3 lần. Phụ nữ có cha hoặc anh em trai bị mắc bệnh có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn người bình thường khác.
Phần lớn các trường hợp ung thư vú do di truyền thường từ 2 gen BRCA 1 và 2.
4. Tuổi hành kinh sớm và mãn kinh muộn
Những người có tiền sử dậy thì sớm ( trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn ( sau 55 tuổi) có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn những người bình thường khác. Nguyên nhân là do những người phụ nữ này chịu tác động lâu dài của hormone Estrogen và Progesterone.
5. Không sinh con hoặc không cho con bú
Những phụ nữ không sinh con hoặc sinh con đầu lòng muộn sau tuổi 30, không cho con bú có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn những người bình thường.
6. Bản thân mắc bệnh lý về tuyến vú hoặc từng bị ung thư
Xơ vú, áp xe vú...nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những tổn thương khó hồi phục ở vùng vú và tiến triển thành ung thư. Hơn nữa việc chẩn đoán ung thư vú sẽ khó khăn hơn rất nhiều nếu bệnh nhân mắc thêm những bệnh lý về tuyến vú này.
Những người từng bị ung thư như ung thư buồng trứng, phúc mạc, vòi trứng hoặc đã từng xạ trị vùng ngực cũng có nguy cơ bị ung thư vú cao hơn người bình thường.
7. Chế độ ăn, béo phì
Phụ nữ uống rượu, chế độ ăn nhiều mỡ, đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Thừa cân hoặc béo phì sau mãn kinh làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Phụ nữ ở trong độ tuổi sinh sản, hầu hết Estrogen được sản xuất từ buồng trứng, một lượng rất nhỏ Estrogen được sản xuất từ mô mỡ. Sau khi mãn kinh, buồng trứng ngừng hoạt động, phụ nữ thừa cân, béo phì có lượng Estrogen cao trong máu do đó tăng nguy cơ bị ung thư vú. Ngoài ra ở những người béo phì, lượng insulin trong máu cao làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư trong đó có bệnh ung thư vú.
Béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ ung thư vú mà còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mỡ máu và các bệnh ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng, ung thư gan...
8. Ít vận động
Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ít vận động thể chất làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Hoạt động cơ thể cường độ mạnh ít nhất 2 giờ/ tuần làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú.
9. Thuốc tránh thai, liệu pháp hormone
Những phụ nữ tránh thai bằng uống thuốc hoặc bằng dụng cụ tránh thai có chứa hormone sẽ đối mặt với nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn các biện pháp tránh thai không dùng hormone khác.