Viêm phổi là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến thường gặp. Vậy bệnh viêm phổi có lây không và cách phòng bệnh như thế nào, bạn đã biết chưa?
- Trẻ sơ sinh bị viêm phổi: Dấu hiệu nhận biết sớm và chăm sóc giúp bé mau khỏi!
- Chuyên gia hiến kế giúp tăng cường miễn dịch trong thời điểm virus Corona gây viêm phổi cấp hoành hành
Nội dung bài viết
- Bệnh viêm phổi có lây không?
- Bệnh viêm phổi lây qua đường nào?
- Cách phòng chống lây nhiễm bệnh viêm phổi
Phổi là cơ quan có vai trò quan trọng trong cơ thể. Vì vậy, việc phổi gặp phải vấn đề sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Viêm phổi là một trong những bệnh phổ biến hiện nay, nếu không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhiều người thắc mắc bệnh viêm phổi có lây không? Bệnh viêm phổi có chữa được không? Hay bệnh viêm phổi có nguy hiểm không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc trên.
Bệnh viêm phổi có lây không?
Theo các chuyên gia y tế, bệnh viêm phổi có khả năng lây truyền bởi tác nhân gây bệnh chủ yếu là do virus, ký sinh trùng, vi khuẩn, nấm. Viêm phổi có 3 dạng chủ yếu là: viêm phổi thùy, viêm phổi kẽ, và viêm phổi hít. Trong đó các nguyên nhân dẫn đến mỗi loại viêm phổi lại khác nhau:
- Viêm phổi hít: Bệnh này thường gặp ở những người nghiện rượu bia, giảm phản xạ nuốt, vệ sinh răng miệng kém, khiến vi khuẩn từ dạ dày tràn vào phổi gây nhiễm trùng.
- Viêm phổi thùy: Chủ yếu là do các vi khuẩn như tụ cầu, liên cầu, hemophilus influenza và virus cúm, ho gà cùng các loài ký sinh trùng gây ra.
- Viêm phổi kẽ: Nhiễm khuẩn do tác dụng phụ của thuốc, tiếp xúc với hóa chất, tác động của bức xạ.
Bệnh viêm phổi lây qua đường nào?
Tuy xuất phát từ các nguyên nhân gây bệnh khác nhau nhưng viêm phổi thùy, viêm phổi kẽ hay viêm phổi hít đều có khả năng lây lan từ người này sang người khác. Các con đường lây nhiễm viêm phổi thường gặp phải như:
- Đường hô hấp: Bạn sẽ có nguy cơ bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc với nước bọt hoặc dịch mũi của người bệnh thông qua việc trò chuyện, hắt hơi, khạc nhổ, ho, ôm, hôn…
- Dùng chung đồ vật: Việc sử dụng chung thức ăn, khăn mặt, bát đũa, quần áo của người bệnh sẽ khiến bạn dễ dàng tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh.
Tuy nhiên, việc hình thành bệnh sẽ không phụ thuộc các chủng virus này mà chủ yếu là do sức đề kháng của người bị lây nhiễm. Người có hệ miễn dịch khỏe mạnh và đủ sức tiêu diệt các tác nhân gây bệnh thì không phát triển thành viêm phổi. Ngược lại, người có hệ miễn dịch yếu và không đủ khả năng loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể sẽ dễ bị nhiễm bệnh.
Những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao và dễ phát triển thành bệnh bao gồm:
- Trẻ em
- Người già
- Phụ nữ mang thai
- Người đã bị nhiễm khuẩn do cúm H5N1, SARS, H1N1…
- Người bị suy giảm miễn dịch do dùng thuốc kháng sinh hoặc trị liệu hóa trị…
- Người nghiện rượu bia, thuốc lá và chất kích thích
- Người mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, viêm phế quản…
Cách phòng chống lây nhiễm bệnh viêm phổi
Để tránh nguy cơ lây nhiễm và phát triển thành bệnh viêm phổi, bạn cần đặc biệt lưu ý các biện pháp phòng tránh sau:
- Vệ sinh sạch sẽ: Các vi khuẩn thường trú ngụ chủ yếu ở mũi họng và đợi đến khi hệ miễn dịch suy yếu sẽ bắt đầu tấn công vào cơ thể gây ra các bệnh nhiễm trùng hô hấp như viêm phổi. Vì vậy, bạn cần vệ sinh sạch sẽ thường xuyên khu vực này bằng nước muối sinh lý có tác dụng diệt khuẩn tốt.
- Không sử dụng các chất kích thích: Bia, rượu, thuốc lá là các tác nhân phá hủy mọi cơ quan trong cơ thể. Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên bệnh viêm phổi ở người trung niên và người già.
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm: Môi trường có nhiều khói bụi và hóa chất sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn xâm nhập vào hệ hô hấp của cơ thể gây nhiễm trùng. Do đó, khi đến nơi công cộng hoặc tiếp xúc với các hóa chất, bạn nên đeo khẩu trang chống khuẩn để tránh các tác nhân gây bệnh.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch là yếu tố then chốt trong việc phòng chống các bệnh nhiễm trùng. Một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp bạn có khả năng ngăn chặn các tác nhân truyền nhiễm và không bị phát triển thành bệnh.
- Tiêm vắc-xin: Tiêm vắc-xin là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả và phổ biến nhất. Đặc biệt, trẻ em từ 2-5 tuổi sẽ dễ mắc phải virus cúm, các khuẩn liên cầu, phế cầu… thì nên tiêm vắc-xin phòng ngừa đầy đủ để giúp trẻ tránh khỏi các tác nhân gây bệnh.
Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc bệnh viêm phổi có lây không. Để đảm không bị lây nhiễm bởi các tác nhân gây bệnh, bạn nên thực hiện theo các biện pháp phòng chống trên. Ngoài ra, nếu sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh viêm phổi bạn xuất hiện các triệu chứng như ho kéo dài, sốt, khó thở, có đờm máu... thì nên nhanh chóng đến ngay các cơ sở y tế để khám và có biện pháp điều trị kịp thời.